Những hình ảnh tuyệt đẹp chỉ có trên Sao Hỏa

Sao Hỏa là một hành tinh chết, không có sự sống ở nơi đây. Tuy nhiên, những hình ảnh vừa được công bố chụp bởi Tàu thăm dò quỹ đạo Sao Hỏa (MRO) của NASA cho thấy hành tinh này có địa hình đẹp ấn tượng không thua kém Trái đất.

Đây là những hình ảnh đẹp nhất được thực hiện bởi thiết bị chụp ảnh khoa học độ phân giải cao (HiRise) được tích hợp trên Tàu thăm dò Quỹ đạo Sao Hỏa (MRO), cho thấy một Sao Hỏa khác với nhiều dạng địa hình đẹp mắt cùng màu sắc rực rỡ.


Một nền đá đầy màu sắc ở Sao Hỏa bao bọc xung quanh một cồn cát nhỏ nằm ở giữa. (Ảnh: NASA/JPL).

Năm nay là năm thứ 11 tàu MRO quay quanh Sao Hỏa. Tính đến nay, nó đã hoàn thành hơn 45.000 vòng quay quanh quỹ đạo và chụp hơn 216.000 tấm hình. Các hình ảnh bên dưới không có màu đỏ cam đặc trưng của Sao Hỏa, vì nó đã được xử lý màu để các nhà khoa học có thể nhận biết được những khu vực nhiều bụi.

Miệng hố va chạm Gale – nơi được các cơ quan hàng không chọn làm điểm hạ cánh lý tưởng cho những sứ mệnh Sao Hỏa của mình, và Elon Musk cũng dự kiến chọn nơi này làm bãi đáp cho các chuyến đi lên Sao Hỏa của SpaceX.


Những cấu trúc lạ thường tại miệng hố va chạm Gale, nơi robot tự hành Curiosity đang hoạt động. (Ảnh: NASA/JPL).


Một miệng hố va chạm được gây ra bởi một thiên thạch đâm vào Sao Hỏa trong khoảng từ tháng 7/2010 đến tháng 5/2012. (Ảnh: NASA/JPL).

Các kiểu địa hình phức tạp trên Sao Hỏa tuy vẫn chưa được giải thích khoa học chính xác, nhưng nhiều nhà nghiên cứu suy đoán rằng nó có thể là dấu tích về sự tồn tại của một đại dương trong quá khứ.


Những rãnh lớn chia cắt bề mặt Sao Hỏa, có thể là dấu vết của một đại dương cổ đại. (Ảnh: NASA/JPL).

Nhiều khu vực tạo nên hình ảnh rất ấn tượng khi quan sát từ trên cao, gây khó hiểu cho các nhà khoa học. Nhưng khi quan sát và thăm dò bằng các tàu tự hành mặt đất hay qua các hình ảnh cận cảnh, chúng thực sự chỉ là những dạng địa hình bình thường.


Những cồn cát nằm giao thoa với nhau trên bề mặt Sao Hỏa. Khi quan sát từ trên cao, chúng trở nên rất kỳ lạ và khó hiểu. (Ảnh: NASA/JPL).

Cũng như Trái Đất và Mặt Trăng, Sao Hỏa là một nơi đầy các miệng hố được để lại từ sự va chạm với các thiên thạch. Đây là một miệng hố khá đặc biệt, thiên thạch tách làm hai trước khi đâm sầm vào Sao Hỏa, tạo nên hai hố tròn nằm cạnh nhau.


Miệng hố va chạm đôi được tạo ra do thiên thạch tách đôi trước khi rơi xuống bề mặt. Gió mạnh làm xói mòn và khiến một nửa của hai miệng hố trở nên rất mịn màng. (Ảnh: NASA/JPL).

Những cồn cát kéo dài đến 30km ở miệng hố va chạm Russell tại bán cầu nam của Sao Hỏa. Lúc này đang là mùa đông, khí carbon dioxide bị đóng băng và tạo nên một lớp mờ trên những cồn cát, lượng CO2 này sẽ bị tan chảy vào mùa hè.


Khí CO2 bị đóng băng tạo nên một lớp mờ suốt trên các đồi cát của miệng hố va chạm Russell vào mùa đông. (Ảnh: NASA/JPL).


Một hình ảnh khác ở miệng hố va chạm Russell cho thấy một nửa là các cồn cát, trong khi nửa kia là băng giá bao phủ. (Ảnh: NASA/JPL).

Một trong những dạng địa chất đặc trưng của Sao Hỏa là Valles Marineris, một hệ thống hẻm núi lớn khiến hẻm núi Grand Canyon ở Hoa Kỳ trở nên nhỏ bé.


Những cồn cát nhẹ nhàng trong hẻm núi Valles Marineris khổng lồ của Sao Hỏa. (Ảnh: NASA/JPL).

Tàu thăm dò Quỹ đạo Sao Hỏa (MRO) của NASA vẫn đang hoạt động rất mạnh mẽ và trở thành một kênh giao tiếp giữa các tàu thăm dò mặt đất với các nhà khoa học ở Trái Đất. Như vậy, trong tương lai chúng ta sẽ còn được chiêm ngưỡng nhiều tuyệt tác hơn nữa của hành tinh hàng xóm này.

Cập nhật: 01/03/2017 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video