Xung đột giới tính là hiện tượng không chỉ có ở con người. Các nhà khoa học tại ĐH Gothenburg (Thụy Điển) vừa phát hiện một loài ốc cái tìm cách che giấu giới tính của mình nhằm "trốn chạy" các con đực.
Hai ốc biển loài Littorina saxatilis đang giao phối. (Ảnh tuoitre)
Hầu hết các loài ốc cái tiết ra chất nhầy trên đường đi của chúng để con đực có thể tìm thấy chúng, vì ốc đực có thể phân biệt dấu vết của con cái và những con đực khác. Con đực sẽ lần theo đường nhầy do ốc cái để lại để tìm bạn tình giao phối. Tuy nhiên, một trong các loài ốc biển cái (Littorina saxatilis) đã ngừng việc đánh dấu chất nhầy của chúng.
Hệ quả của việc này là con cái sẽ giao phối ít hơn, vì các con đực sẽ tốn thời gian gấp hai lần để tìm ra con cái. Đây là một hiện tượng lạ, khá ngạc nhiên, vì từ lâu người ta tin rằng con cái thu hút bạn tình để giao phối.
GS sinh thái học, Kerstin Johannesson, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng việc giao phối gây tốn kém sức lực cho con cái, vì chúng đã giao phối đủ nhiều để thụ tinh cho tất cả trứng của chúng”.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh sự tiến hóa đã ủng hộ giống cái che giấu giới tính: những con cái có khả năng che giấu giới tính thường có cơ hội sống sót cao hơn những con cái khác. “Giao phối càng nhiều càng tốt cho con đực, vì đó là cách duy nhất chúng đảm bảo số lượng con cái. Nhưng với những con cái thường xuyên giao hợp, sự sống sót của chúng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong thời gian mang thai”.
Một số giống cái khác như loài damself (một loài tương tự chuồn chuồn nhưng khác biệt về kích thước, đôi cánh) cũng tìm cách che giấu giới tính bằng cách "ngụy trang" màu sắc giống hệt như con đực.