Sinh vật ngoại lai xâm hại là những sinh vật có khả năng thích nghi cao, phát triển tốt và tràn lan nhanh. Chúng cạnh tranh thức ăn, nước, không khí... ngăn cản sự phát triển của các sinh vật khác sống trong cùng môi trường, làm thay đổi môi trường sống. Sự xuất hiện của một sinh vật ngoại lai có thể làm biến đổi hay phá hủy vĩnh viễn quần thể động thực vật bản địa. Lịch sử phát triển tự nhiên đã ghi nhận những cuộc xâm lăng đã vĩnh viễn làm thay đổi bề mặt hành tinh của chúng ta.
Những loài động vật xâm lăng làm thay đổi trái đất
Giun đất
Loài vật nhỏ bé trơn tuột này trông có vẻ vô cùng tầm thường đối với bạn, nhưng trong lịch sử phát triển của tự nhiên trên trái đất nó đóng vai trò có thể coi là quan trọng nhất trong số các loài xâm lăng. Charles Darwin xem giun đất là sinh vật có tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với các hệ sinh thái trên hành tinh.
Giun đất đổ bộ lên đất liền sau khi tiến hóa từ giun biển, từ đó chúng chăm chỉ đào xới làm đất tơi xốp và màu mỡ. Nơi nào có sự hiện diện của giun đất thì nơi đó mùa màng tươi tốt; nói cách khác, con người nhờ vào giun đất mà thịnh vượng, và nếu giun đất biến mất thì xã hội nơi đó cũng suy vong theo.
Cóc mía
Loài cóc này được nhập khẩu từ Hawaii vào Australia từ năm 1935 để tiêu diệt bọ cánh cứng tung hoành trên các cánh đồng mía. Tuy nhiên, do da có chứa nhiều độc tố nên cóc mía có thể giết chết những con vật lớn hơn, như gà, chó, mèo, rắn, thằn lằn và cả một số loài ếch, khi tiếp xúc với chất độc trên da chúng, làm giảm đáng kể số lượng các loài này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học ở nơi chúng xuất hiện.
Hiện nay, cóc mía bị coi là một trong những loại sinh vật gây hại nhất ở Australia. Chính phủ nước này đang thực hiện kế hoạch kéo dài đến 15 năm và tiêu tốn 7 triệu đô để kiềm chế sự phát triển của “các vị khách rắc rối” này.
Trai vằn
Lần đầu tiên loài trai vằn được phát hiện ở nhánh sông St. Clair vào mùa xuân năm 1988, nhưng chẳng bao lâu sau thì chúng đã có mặt khắp Ngũ Hồ, sông Mississippi và nhiều Hồ ở Trung và Tây nước Mỹ cũng như ở Canada. Loài trai vằn được mang đến Biển Đen và biển Caspian của châu Âu bằng những con tàu chở hàng xuyên đại dương.
Những thủy thủ mang theo chúng để làm thực phẩm; khi một số con tàu này bị đắm đã tạo cơ hội cho chúng thoát ra ngoài và sinh sôi rất nhanh. Một số con khác thì đến được Ngũ Hồ bằng cách bám vào gầm của những con tàu chở hàng.
Sự có mặt của loài trai này khiến cho các loài sinh vật bản địa khác như cá hồi, tôm, và các loài thủy sinh khác gặp khốn đốn vì nguồn thức ăn bị cạn kiệt. Nếu trai vằn tiếp tục bành trướng như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa những loài sinh vật ở các vùng hồ này sẽ bị hủy diệt.
Sinh vật nhỏ bé này đã khiến Mỹ phải lên kế hoạch kéo dài đến 10 năm và tốn kém tới 5 tỉ USD để tiêu diệt chúng.
Chuột
Loài gặm nhắm này là kẻ chuyên nghiệp đi lậu tàu xe. Từ thời bắt đầu có phương tiện giao thông, chúng đã lẫn trốn trên những toa xe hay những con tàu và đi nhờ từ nơi này đến nơi khác. Hễ chúng đặt chân đến đâu là hệ sinh thái nơi đó bị biến đổi theo chiều hướng xấu.
Khi chúng lần đầu tiên xuất hiện trên đảo Macquarie, mọi cố gắng để đẩy lùi sự tràn lan của chúng đều không mang lại kết quả mà thậm chí còn làm tình hình tồi tệ thêm, chẳng hạn như biện pháp nhập những con mèo về để diệt chuột. Những con mèo này, cùng với loài thỏ được đưa về đây để làm thực phẩm, đã làm tuyệt chủng 2 giống chim và làm cạn kiệt hệ thực vật bản địa nơi đây.
Người ta đã ước tính tổng chi phí để khắc phục tình trạng suy thoái của hệ sinh thái nơi đây lên tới 16 triệu USD.
Bướm đêm Gypsy
Sâu bướm gypsy được nhà khoa học người Pháp Leopold Trouvelot đưa sang Mỹ vào năm 1868 với mục đích cho loài sâu này lai tạo với giống sâu tơ bản địa để tạo ra một giống mới có khả năng kháng bệnh cao hơn. Tuy nhiên, sau đó một vài con bướm đã trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm của ông, chúng tìm được môi trường sống lý tưởng và bắt đầu sinh sôi không ngừng.
Những con sâu bướm Gypsy là loài có lông dài với màu sắc sặc sỡ. Với số lượng tăng không ngừng, chúng giết hại nhiều cây cối bằng cách vặt sạch lá của những cây này, gây tổn thương nghiêm trọng cho các khu rừng, làm ảnh hưởng đến hệ động vật hoang dã nơi đây.
Hiện nay sâu bướm gypsy là một trong những loài gây hại cho các cây thân gỗ khét tiếng nhất ở phía Đông nước Mỹ.
Chim sáo đá
Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), chim sáo đá được mang từ châu Âu vào Mỹ như một phần của tham vọng đưa tất cả các loài chim từng xuất hiện trong các tác phẩm của Shakespeare đến Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch hoạch này của fan hâm mộ Shakespeare đã sớm biến thành mối đe dọa cho nền nông nghiệp nước này.
Từ một số ít cá thể được nuôi ở New York trong những năm 1800, đến nay dân số của loài chim này đã bùng nổ và gieo rắc bệnh tật cho các loài động vật khác, gây tổn thất khoảng 800 triệu USD cho nền nông nghiệp mỗi năm. Shakespeare có lẽ không bao giờ biết được “nàng thơ” của ông lại là một nỗi kinh hoàng cho hậu thế như vậy.
Cây sắn dây
Sắn dây được đưa từ Nhật Bản vào Mỹ năm 1876 để trồng làm thức ăn gia súc và để chống xói mòn cho đất. Tuy nhiên, sau đó loại cây này lại trở thành mối nguy hại về mặt sinh thái học ở các vùng này do sức phát triển quá nhanh vượt ngoài tầm kiểm soát của nó.
Loại cây leo này nhanh chóng lan tràn khắp nơi, bao phủ phần lớn diện tích canh tác, giết chết nhiều loài cây bản địa khác. Hiện nay, sắn dây đã mọc lên rộng rãi ở khắp miền đông nam Hoa Kỳ, cắm chặt rễ trên diện tích đất khoảng 20.000 - 30.000 km² và làm thiệt hại khoảng 500 triệu USD mỗi năm do diện tích đất trồng trọt bị loài cây này bao phủ và các chi phí để kiểm soát nó.
Rắn nâu
Vào những năm 1950, loài rắn này vô tình được nhập vào đảo Guam (một hòn đảo ở Thái Bình Dương); người ta cho rằng chúng đến được đây bằng cách “đi nhờ” trên những chuyến tàu chở hàng đến đảo này. Chúng vớ bở với nguồn thức ăn dồi dào ở bản địa và có rất ít đối thủ săn mồi cạnh tranh. Vì thế, dân số của loài này đã không ngừng tăng lên chưa từng thấy, bao phủ toàn bộ hòn đảo vốn trước kia hoàn toàn không có loài rắn.
Chúng săn gần như cạn kiệt hoặc thậm chí làm tuyệt chủng các loài động vật trong các khu rừng bản địa. Với hơn 13.000 cá thể ở khắp nơi trên đảo, chúng tấn công vào nhà ở của người dân, gây nguy hiểm đến trẻ nhỏ và gây kinh hoàng cho người lớn. Chúng cũng là thủ phạm gây ra các vụ mất điện làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, thương mại và quân đội tại khu vực.
Bọ thông
Loài bọ cánh cứng phá hoại cây thông này đã tàn phá một diện tích rừng khổng lồ. Từ Colorado tới tiểu bang Washington, các trận dịch bọ hàng năm đã giết chết 2,6 triệu héc ta rừng. Ở miền Bắc nước này tình hình còn tồi tệ hơn khi những đám mây bọ cánh cứng đã phá hủy tới 14 triệu héc ta. Những con bọ cái đục thủng cây và đẻ trứng vào những đường hầm chúng đào trong thân.
Ấu trùng nở ra lại tiếp tục đào bới trong thân, cắt đứt đường di chuyển của chất dinh dưỡng nuôi cây và giết chết cây. Ngoài ra chúng còn đe dọa đến loài gấu xám Bắc Mỹ do chúng ăn những cây thông vỏ trắng – nguồn thức ăn chính yếu của loài gấu này trước khi vào mùa ngủ đông.
Con người
Loài xâm hại tệ nhất trong số các loài xâm hại chính là con người. Từ xa xưa, chúng ta di cư từ nơi này đến nơi khác, làm biến đổi nghiêm trọng quần thực/động vật ở bất cứ nơi nào chúng ta đặt chân đến; đe dọa đến sự sống còn của các loài sinh vật và làm thay đổi môi trường nơi chúng ta tới.
Các cuộc di dân lớn và các sinh hoạt của chúng ta trong lịch sử đã làm thay đổi thế giới tự nhiên, ảnh hưởng đến cây cối, động vật, nguồn nước, đất và cả bầu khí quyển. Và thực tế là, hầu hết các loài động/thực vật được kể ra trong danh sách này đều vì con người chúng ta mà trở thành kẻ xâm hại.