Những kỷ lục do tàu thăm dò Mặt trời của NASA thiết lập

Sau 5 năm hoạt động, tàu Parker Solar gặt hái nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có việc trở thành tàu vũ trụ đầu tiên "chạm vào Mặt trời".

Ngày 12/8/2018, tàu thăm dò Parker Solar của NASA cất cánh nhờ tên lửa Delta IV từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Cape Canaveral, Mỹ. Vụ phóng đánh dấu sự khởi đầu của nhiệm vụ mang tính bước ngoặt nhằm khám phá những bí ẩn của gió Mặt trời và cho thấy đỉnh cao của hàng thập kỷ phát triển công nghệ - một tàu vũ trụ chịu được sức nóng và bức xạ gần Mặt trời tốt hơn mọi con tàu trước đó.


Mô phỏng tàu thăm dò Parker bay qua Mặt trời. (Ảnh: NASA).

Các thiết kế cho tàu thăm dò Mặt trời bắt đầu hình thành vào năm 1962, chỉ 4 năm sau khi Ban Nghiên cứu Không gian của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ lần đầu tiên đề xuất nhiệm vụ khám phá môi trường gần Mặt trời. Nhưng khi đó, công nghệ để thực hiện nhiệm vụ táo bạo như vậy, đặc biệt là các vật liệu chế tạo tấm chắn nhiệt hiệu quả, vẫn chưa có sẵn.

Tiến bộ về vật liệu vào những năm 1970 đã cho phép NASA bắt đầu xem xét việc thực hiện một chuyến tiếp cận đủ gần để lấy mẫu trực tiếp vành nhật hoa - lớp khí quyển phía trên của Mặt trời - và gió Mặt trời. Định nghĩa khoa học về nhiệm vụ ban đầu được đưa ra trong cuộc hội thảo tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA năm 1978. Tuy nhiên, các phương tiện để triển khai nhiệm vụ cần nhiều thập kỷ để hoàn thành.

Năm 2007, NASA yêu cầu Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins (APL) nghiên cứu ý tưởng về một tàu vũ trụ có thể tiếp cận Mặt trời. Từ đó, với sự kết hợp giữa những công nghệ bảo vệ nhiệt đột phá và thiết kế thông minh, tàu thăm dò Parker Solar dần thành hình và phóng lên không gian năm 2018.

Năm 2021, con tàu làm nên lịch sử khi bay qua khí quyển ngoài cùng của Mặt trời, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên "chạm vào Mặt trời". Sau đó, con tàu tiếp tục đạt tốc độ lên tới khoảng 535.000km/h, trở thành tàu vũ trụ nhanh nhất lịch sử.

Đến nay, sau 5 năm bay qua những khu vực nóng nhất và bụi bặm nhất ở phía trong hệ Mặt trời, tàu Parker Solar không chỉ sống sót mà còn hoạt động tốt. Con tàu gửi về lượng dữ liệu nhiều gấp đôi so với dự đoán của các nhà khoa học, giúp họ tìm hiểu nguồn gốc và đặc tính của gió Mặt trời.

Con tàu hiện đã hoàn thành quỹ đạo khoa học thứ 16 trong số 24 quỹ đạo được lên kế hoạch trong nhiệm vụ chính. Ngày 21/8, nó sẽ bay qua sát sao Kim để nhận hỗ trợ lực hấp dẫn, thao tác giúp thu gọn quỹ đạo quanh Mặt trời và cho phép nó nghiên cứu bề mặt cũng như khí quyển sao Kim.

Nhờ sự hỗ trợ lực hấp dẫn này, ngày 27/9, Parker Solar sẽ di chuyển với tốc độ hơn 635.000km/h và bay tới trong phạm vi 7,2 triệu km so với bề mặt Mặt trời, phá vỡ các kỷ lục về tốc độ và khoảng cách với Mặt trời của chính nó. Con tàu sẽ thu hẹp khoảng cách với Mặt trời xuống chỉ còn 6,1 triệu km với tốc độ hơn 692.000 km/h vào tháng 12/2024.

"Chúng ta đang trong kỷ nguyên vàng khám phá vật lý Mặt trời. Chỉ trong 5 năm, Parker Solar đã thay đổi hiểu biết của con người về Mặt trời và các hoạt động ảnh hưởng đến cuộc sống trên Trái đất. Khi ngày càng tiến gần đến bề mặt Mặt trời, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về các đặc tính của ngôi sao này, đồng thời nâng cao đáng kể kiến thức về thời tiết không gian cũng như khả năng sống và làm việc trong không gian", Nour Raouafi, nhà khoa học của dự án tàu Parker Solar tại APL, cho biết.

Cập nhật: 15/08/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video