Chính sự tuyệt chủng của các loài động vật khổng lồ trong kỷ Pleistocene đã gây ra sự khan hiếm các vùng đất trồng trọt màu mỡ hiện nay trên thế giới.
Theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia thuộc Viện Biến đổi môi trường của Đại học Oxford (Anh), kỷ Pleistocene - cách đây từ 11.700 năm đến 2,6 triệu năm - là thời kỳ mà các quần thể động vật ăn cỏ lớn thống trị hành tinh thay cho loài khủng long bị tuyệt chủng.
Những quần thể động vật ăn cỏ lớn này sống gần sông hồ. Chúng có trọng lượng trên 44kg, giữ vai trò quan trọng trong việc tạo sự màu mỡ cho các vùng đất ở cách xa nơi chúng sinh sống, thông qua quá trình đào thải của cơ thể và phân hủy xác sau khi chết.
Ảnh: ecns.cn
Kết quả nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience ngày 11/8.
Theo ông Chris Doughty, đồng tác giả của nghiên cứu, các loài động vật lớn giống như những mạch máu dinh dưỡng của Trái Đất, do vậy nếu chúng bị tuyệt chủng, những mạnh máu này bị cắt đứt.
Do phần lớn các loài động vật lớn đã bị tuyệt chủng, nên Trái Đất mới có nhiều vùng đất khô cằn hơn.
Sử dụng mô hình toán học, các nhà nghiên cứu của trường Oxford đã dự đoán rằng sự tuyệt chủng của các quần thể động vật ăn cỏ lớn đã làm giảm tới 98% sự phát tán của chất phốt pho quan trọng cho trồng trọt ở lưu vực sông Amazon, cũng như ở hầu hết các lục địa khác ngoại trừ châu Phi - lục địa duy nhất mà trong quá trình tiến hóa, loài người hiện đại sinh sống cùng với các quần thể động vật ăn cỏ lớn.
Theo nhóm nghiên cứu, mô hình sử dụng trong nghiên cứu trên sẽ cho phép các nhà khoa học dự đoán ảnh hưởng của sự tuyệt chủng của các loài động vật khác trên thế giới ngày nay.
Đây là kịch bản có thể xảy ra sớm đối với một số loài động vật lớn hiện nay, chủ yếu ở châu Phi và châu Á.
Giới khoa học cũng cảnh báo nếu các loài động vật lớn hiện nay như voi biến mất, sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với các vùng đất trồng trọt.