Những phát hiện "gây shock" về cơ thể bạn

Khuôn mặt chứa đầy "nhện", phát hiện bộ phận mới ở đầu gối, tìm ra tế bào gốc trong răng người... là những phát hiện mới về cơ thể người.

Những phát hiện mới về cơ thể người

Trải qua hàng thế kỷ, loài người vẫn chưa thể khẳng định việc khám phá hết bí mật cơ thể người. Và quả đúng vậy, dưới đây là những khám phá “gây shock” trên cơ thể mà không ai có thể ngờ tới.

1. Khuôn mặt người chứa đầy… nhện

Trong năm 2014, các khoa học gia đã có một phát hiện gây “chấn động” khi sử dụng kính hiển vi electron năng lượng lớn, đủ để soi kỹ từng lỗ chân lông trên mặt người. Họ đã nhìn thấy một cách rõ nét những sinh vật như hình dưới đây.

Những “chú nhện” này thực chất là loài ký sinh trùng Demodex brevis, sống ký sinh trong tuyến bã tại lỗ chân lông trên mặt người. Và cũng theo nghiên cứu, Demodex brevis có mặt trên 100% số người tham gia nghiên cứu.

Ký sinh trùng có vòng đời rất ngắn, vậy nên chúng sinh sôi nảy nở với tốc độ cực nhanh, hàng triệu cá thể đẻ trứng rồi chết đi. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với sự gia tăng của bã nhờn.

Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó nhiều người tin rằng bệnh trứng cá đỏ - rosacea – một bệnh ngoài da khiến da phát ban và sưng tấy có thể do hệ thống miễn dịch của chúng ta “làm thân” quá mức với loài ký sinh trùng này.

2. Vi khuẩn trong ruột khiến bạn ngày một “béo phì”

Sự phát triển của y học đã cho chúng ta biết đường ruột của người bao gồm rất nhiều vi khuẩn - còn gọi là microflora - có lợi nhiều cho đời sống.

Tuy nhiên, gần đây các khoa học gia mới tiếp cận đầy đủ hơn những khả năng “không tưởng” mà vi khuẩn có thể làm được. Nhờ đó, những vi khuẩn này được xem như một bộ phận quan trọng ngang hàng với gan hoặc tụy.

Vi khuẩn đường ruột góp phần điều hòa quá trình trao đổi chất, hỗ trợ hệ miễn dịch và chống lại một số bệnh. Chúng có số lượng không hề nhỏ, lên đến 100 nghìn tỉ tế bào trong cơ thể mỗi người, chiếm 1- 2 kg trên tổng trọng lượng cơ thể người.

Tuy nhiên, không phải tất cả vi khuẩn đều tốt. Một số nghiên cứu gần đây cho biết một số loại vi khuẩn đường ruột đã tiến hóa và gây ảnh hưởng đến dây thần kinh phế vị (vagus nerve) – dây thần kinh liên kết não bộ và đường ruột – khiến chúng ta luôn thèm các loại thức ăn nhất định, mà cụ thể ở đây là đường và các loại thực phẩm giàu chất béo.

Bằng việc tiết ra các chất hóa học tác động đến hệ thống thần kinh, kích thích sự thèm ăn, gia tăng cảm giác hài lòng khi được đáp ứng nhu cầu, những vi khuẩn này còn khiến chế độ ăn của chúng ta trở nên không lành mạnh, dẫn đến khả năng mắc các chứng béo phì hoặc tiểu đường. Tuy nhiên theo các khoa học gia, tác động từ vi khuẩn sẽ là không đủ nếu như bạn giữ vững lập trường và theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.

3. Tìm ra bộ phận mới trong… đầu gối

Chúng ta luôn quan niệm rằng, đầu gối giống như một chiếc bản lề, cho phép con người đứng vững trên mặt đất. Nhưng thực chất, đầu gối là một cỗ máy phức tạp, khiến các ca phẫu thuật đầu gối có tỉ lệ thất bại khá cao và hầu hết đều để lại di chứng.

Năm 2013, hai bác sĩ chuyên phẫu thuật đầu gối người Bỉ đã đặt dấu hỏi kiến thức loài người về giải phẫu đầu gối. Họ đã phát hiện ra đầu gối còn một dây chằng khác ở vị trí rất kín đáo.

Trên thực tế, lý thuyết dây chằng bí ẩn đã được đưa ra vào năm 1879 bởi một bác sĩ người Pháp tên Paul Segon. Ông thậm chí khẳng định rằng mình đã tìm ra dây chằng bí ẩn ở đầu gối nhưng lại thất bại trong việc chứng minh, khiến lý thuyết sớm bị bác bỏ.

Sau khi được các bác sĩ người Bỉ chứng minh, dây chằng này có tên anterolateral ligament (tạm dịch: dây chằng trước bên), đã giúp cho việc nghiên cứu phẫu thuật đầu gối trở nên có triển vọng hơn. Tuy nhiên điều này cũng khiến các khoa học gia đặt câu hỏi: còn bao nhiêu bộ phận trên cơ thể chưa được khám phá?

4. Phát hiện tế bào gốc trong răng người

Hiểu rõ được tế bào gốc luôn là mong muốn của loài người, khi chỉ từ một tế bào có thể tạo nên bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, bao gồm nội tạng. Nắm được tế bào gốc đồng nghĩa với việc cứu được hàng triệu người đang trông chờ vào thị trường buôn bán nội tạng.

Từ trước đến nay, tế bào gốc được biết đến chỉ có trong phôi thai, nhưng việc tiếp cận gặp rất nhiều trở ngại về mặt đạo đức xã hội. Ngày nay, các khoa học gia phát hiện ra rằng, họ đã có thể tiếp cận tế bào gốc từ các tế bào bên trong răng người trưởng thành.

Phát hiện này gần như đã bác bỏ quan niệm lâu nay cho rằng, tế bào gốc chỉ phát triển theo một đường, tức là từ tế bào gốc trở thành các tế bào khác, thay vì ngược lại. Khi quan sát, các tế bào thần kinh trong răng bằng cách nào đó đã đảo ngược quá trình trở thành tế bào gốc.

Sau khi nhận thấy hiện tượng tương tự diễn ra ở loài chuột, các nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm đốt laser, kích thích tế bào gốc khiến phần răng bị tổn thương phục hồi nhanh chóng. Điều này có thể sẽ giúp khoa học loài người sang trang mới, với tiềm năng làm chủ được công nghệ tế bào gốc từ răng người.

5. Não bộ có công tắc

Khi bị va đập mạnh vào đầu, con người có thể bất tỉnh nhân sự. Tuy nhiên cho đến gần đây, các khoa học gia vẫn chưa thể lý giải được hiện tượng này.

Đến năm 2014, một nghiên cứu đã tìm ra rằng thực sự có một công tắc ngay bên trong não bộ chúng ta – đó là vùng hạch nền (claustrum). Điều này được tìm ra một cách tình cờ khi các chuyên gia nghiên cứu bệnh động kinh. Khi dòng điện tác động lên vùng hạch nền, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái vô thức.

Kích thích lại một lần nữa, bệnh nhân sẽ tỉnh lại, với một chút ký ức còn sót lại trước khi bị “tắt”. Phát hiện này có thể mở ra rất nhiều tiềm năng nghiên cứu trong y học, đặc biệt là về giấc ngủ cùng các chứng bệnh về ngủ.

Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video