Những phù thủy biến hình trong thế giới tự nhiên

Một số loài vật có khả năng thay đổi hình dáng, thậm chí cả màu sắc để săn mồi hoặc đánh lừa kẻ địch.

Nấm nhầy

Nầm nhầy không phải là một loài động vật. Ban đầu các nhà khoa học xếp sinh vật này vào giới nấm, nhưng sau đó đã loại bỏ chúng khỏi danh sách. Nấm nhầy có thể tồn tại như những sinh vật đơn bào riêng lẻ. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thích hợp, những cá thể riêng lẻ có thể tập hợp lại với nhau thành một tế bào khổng lồ có nhiều nhân.

Nấm nhầy tồn tại ở trạng thái giữa chất lỏng và chất rắn. Để tìm kiếm con mồi, chúng vươn rộng cơ thể ra xung quanh và liên tục thay đổi hình dạng. Thức ăn của chúng gồm các loài nấm và vi khuẩn.

Mực nang

Mực nang sở hữu rất nhiều tế bào sắc tố trên da có thể thay đổi màu sắc. Khả năng này giúp chúng ẩn mình vào môi trường xung quanh, thậm chí giả dạng thành loài vật khác.

Loài mực nang pharaoh bắt chước hình dáng, màu sắc và cách di chuyển của cua ẩn sĩ, còn gọi là ốc mượn hồn, trong lúc đi săn. Khi lũ cá mất cảnh giác và bơi đến gần, nó lập tức phóng những chiếc xúc tu ra tóm chặt con mồi. Mực nang cũng giả dạng thành cua vỏ cứng để đánh lừa những sinh vật chuyên ăn mực.

Cá nóc


Cá nóc con phình lên để tự vệ. (Ảnh: Pinterest).

Ở trạng thái thư giãn, cá nóc trông không quá đặc biệt. Tuy nhiên, sinh vật này lại sở hữu một khả năng kỳ lạ giúp chúng thoát khỏi kẻ thù. Khi bị tấn công, cá nóc sẽ lập tức nuốt một lượng lớn nước hoặc không khí để phồng lên thành một khối cầu, thường được bao phủ bởi những chiếc gai sắc nhọn.

Cá nóc có thể thay đổi hình dạng và kích thước nhờ sở hữu lớp da cực kỳ co giãn. Do đó, khi chúng phồng lên gấp nhiều lần kích thước ban đầu, lớp da cũng không bị nứt. Ngoài ra, một số loài cá nóc còn sở hữu độc tố cực mạnh khiến những kẻ săn mồi phải tránh xa.

Cú mặt trắng phương bắc

Tùy thuộc vào kẻ địch, cú mặt trắng phương bắc sẽ thay đổi thành nhiều hình dạng khác nhau. Chúng có thể phình to hoặc thu nhỏ khi cảm thấy bị đe dọa. Nếu gặp kẻ địch có kích thước tương đương, chúng sẽ xòe rộng cánh và xù lông để trông to lớn hơn.

Tuy nhiên, nếu đối phương có kích thước lớn hơn nhiều thì chiến thuật này sẽ trở nên vô dụng. Thay vào đó, chúng sẽ thu cánh và cụp lông lại để náu mình vào môi trường xung quanh. Trong tự nhiên, nếu kẻ thù to lớn xuất hiện, cú mặt trắng phương bắc có thể biến hình như vậy và giả dạng thành một cành cây nhỏ.

Bạch tuộc biến hình

Bạch tuộc biến hình hay bạch tuộc bắt chước được phát hiện năm 1998. Với khả năng thay đổi màu sắc, hình dạng và cả các cử động, bạch tuộc biến hình có thể ngụy trang để đối phó với mọi tình huống.

Bạch tuộc khá dễ bị tấn công. Do đó, để sinh tồn, chúng giả dạng thành những loài vật "khó nhằn" hơn. Chúng có thể giả dạng thành cá bơn độc bơi sát đáy biển. Khi cần bơi lên trên, nó sẽ xòe các xúc tu để bắt chước những chiếc gai độc của cá sư tử. Nếu bị đe dọa, chúng sẽ đổi sang màu sắc của rắn biển độc và cử động xúc tu như thể sẵn sàng tấn công.

Cập nhật: 11/12/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video