Giới chuyên gia dự đoán siêu lục địa có thể hình thành trên Trái đất sau hàng trăm triệu năm nữa theo hai cách, kéo theo những điều kiện khí hậu vô cùng khác biệt.
Cách đây 200 triệu năm, siêu lục địa Pangea tách rời, tạo ra nhiều lục địa như chúng ta thấy ngày nay trên Trái đất, phân tách bởi các đại dương khổng lồ. Nhiều khả năng một siêu lục địa khác sẽ hình thành trên hành tinh trong tương lai, theo IFL Science.
Phác họa hình dáng hai siêu lục địa có thể xuất hiện trong tương lai. (Ảnh: Way et al. 2020).
Rất khó nói siêu lục địa này trông như thế nào, nhưng các nhà khoa học nghi ngờ tất cả lục địa ngoại trừ Nam Cực có thể hợp lại quanh cực bắc trong khoảng 200 triệu năm tới, tạo ra siêu lục địa mới tên Amasia. Khả năng khác là tất cả lục địa sẽ hợp nhất quanh xích đạo trong vòng 250 triệu năm, dẫn tới sự ra đời của siêu lục địa Aurica.
Tùy theo tình huống nào nêu trên thực sự xảy ra, khí hậu toàn cầu của Trái đất sẽ cực kỳ khác biệt. Năm 2020, một nhóm nghiên cứu ở Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia tìm cách lập mô hình khí hậu của siêu lục địa tiềm năng trong tương lai xa và công bố kết quả tại hội nghị của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ.
Trong trường hợp Amasia, toàn bộ hành tinh sẽ tiến vào kỷ Băng Hà. Điều kiện hiện nay của Trái đất cho phép nhiệt truyền từ xích đạo tới vùng cực nhờ gió và dòng hải lưu, nhưng nếu không có đất đai dọc đường, lượng nhiệt này sẽ không thể truyền tới vùng cực dễ dàng. Do đó, vùng cực sẽ lạnh hơn nhiều và có băng bao phủ quanh năm. Ngoài ra, số thềm băng tăng lên cũng đóng vai trò như tấm gương phản chiếu ánh sáng Mặt trời trở lại khí quyển, gọi là hiệu ứng suất phản chiếu băng, khiến hành tinh càng lạnh hơn nữa.
"Tuyết sẽ rơi nhiều hơn", tiến sĩ Michael Way, trưởng nhóm nghiên cứu kiêm nhà vật lý ở Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA, cho biết. "Hiệu ứng suất phản chiếu băng sẽ hạ thấp nhiệt độ hành tinh một cách hiệu quả".
Trong trường hợp Aurica, tình huống rất khác biệt. Đất liền hợp lại gần xích đạo hơn sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng Mặt trời ở đó hơn, dẫn tới nhiệt độ cao hơn. Tác động này càng được tăng cường bởi sự vắng mặt của chỏm băng vùng cực chịu trách nhiệm phản xạ nhiệt khỏi khí quyển Trái đất. Kết quả là dải đất trông giống các bãi biển Nam Mỹ với vùng nội địa khô hơn.
Mô hình cũng chỉ ra nước lỏng sẽ tồn tại trên khoảng 60% diện tích của Amasia, so với 99,8% ở Aurica. Nhóm nghiên cứu cho biết thông tin có thể giúp ích cho những nhà thiên văn học đang tìm kiếm hành tinh ở được có thể chứa nước lỏng trong dải Ngân Hà.