Những sự thật chưa từng biết đến về dế mèn

Dế tôi là một sinh vật rất đặc biệt. Sẽ có ngày chúng tôi giải cứu được Trái đất này.

À xin chào mọi người! Tôi là dế mèn đây.

Ông nào đã đọc qua "Dế mèn phiêu lưu ký" thì chắc cũng biết đến tôi rồi. Không chỉ đi vào văn học thi ca, tôi còn xuất hiện trên bản đồ ẩm thực của thế giới nữa kìa.

Nhưng hỏi thật này, đã ông nào nhìn thấy một con dế mèn như tôi bằng xương bằng thịt ngoài đời chưa (thực ra tôi không có xương nhưng mà... các bạn hiểu ý mà)? Tôi nghĩ là chưa đâu! Ngay cả ở quê tìm được tôi cũng hơi khó (vì tôi sống trong hang dưới đất), nữa là mấy người đang sống ở thành phố.

Nói chung, hôm nay tôi xin phép được lên sóng để chúng ta hiểu nhau hơn, và để các ông nhận ra rằng tôi thực sự rất đặc biệt.

1. Dế mèn không phải là một cái tên riêng

Các ông gọi tôi là dế mèn, nhưng thực ra dế mèn không phải là một cái tên riêng đâu. Họ nhà dế mèn có đến hơn 900 anh em trải khắp thế giới cơ. Ông nào trông cũng na ná nhau, đầu tròn, mình trụ, râu "dài đến nách", khác mỗi màu thôi. Như thằng mèn trong "Dế mèn phiêu lưu ký" thì đen thùi lũi, còn ông mèn khác lại có màu xanh pha nâu.

2. Bậc thầy âm nhạc trong họ côn trùng

Các ông chắc cũng biết rằng dế tôi biết hát? Nhưng không theo trường phái gào rát cổ họng như mấy thằng ve sầu, tiếng hát của chúng tôi là một thứ âm nhạc thực sự.

Dành cho những ai chưa biết, chỉ có dế đực chúng tôi là hát được thôi. Đến thời điểm thích hợp, tôi và mấy cậu dế khác bắt đầu cất tiếng hát để thu hút các em dế cái đến vui vẻ. Tiếng hát của chúng tôi lên bổng xuống trầm, mỗi đứa có cao độ khác nhau, tạo thành một bản hòa âm cực kỳ đặc biệt.

Không giống lũ ve tán đổ là thôi hát, chúng tôi lúc kết đôi thành công sẽ hát thêm một bài nữa, để thông báo cho cả thiên hạ biết mà chung vui.

Và ngoài ra, chúng tôi còn hát để... cãi nhau và cạnh tranh lãnh thổ nữa.

3. Gọi là hát, nhưng không phải mồm tôi hát

Có một điểm chúng tôi giống với họ ve sầu, đó là tiếng hát không đến từ cái miệng. Tuy nhiên, ve sầu phát ra tiếng từ trong bụng, còn chúng tôi kêu nhờ cánh.

Khi muốn hát, dế tôi sẽ lấy một bên cánh, chà xát với bên còn lại. Sự rung động sẽ tạo ra âm thanh mà loài người vẫn hay gọi là tiếng hát.

4. Dế mèn là một cái nhiệt kế tự nhiên

Tiếng hát của tôi sẽ thay đổi theo thời tiết. Trời càng nóng, tôi càng hát nhiều hơn, và nếu tôi nhớ không nhầm thì loài người đã từng lập ra hẳn một phương trình để tính ra được nhiệt độ dựa vào tiếng của tôi.

Để tôi bày cho các ông nhé: hãy đếm số tiếng tôi phát ra trong vòng 14s, sau đó cộng thêm 40 để ra được nhiệt độ ở thời điểm đếm. Con số được tính theo đơn vị độ F, nếu muốn đổi sang độ C thì chịu khó... Google đi.

Ừ, tôi biết Google, vì tôi là một con dế thông thái!

5. Chúng tôi chính là sinh vật giải cứu thế giới này

Tôi đã bảo rồi, nhà dế hết sức nổi tiếng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Nhưng điều quan trọng nhất là tụi này không sớm thì muộn cũng sẽ là cứu tinh cho loài người các ông.

Thử nghĩ nhé: có loại thịt giàu protein và vitamin, sinh đẻ nhanh hơn lũ trâu bò lợn gà, ít có hại cho môi trường hơn, và lại còn rất ngon nữa. Liệu các ông có ăn không?

Nếu có, chào mừng các ông đến với kỷ nguyên của dế. Mà nghe đâu hiện tại có nhiều doanh nghiệp loài người nuôi dế để ăn lắm rồi đấy. Một ngành công nghiệp tỉ đô chứ không phải đùa đâu.

À quên nữa, dành cho những ai cảm thấy thương hại không dám ăn loài vật dễ thương như tôi. Yên tâm đi, tuổi thọ của dế mèn chúng tôi chỉ có vài tháng thôi, nên giúp được Trái đất này là vui lắm rồi.

Cập nhật: 06/11/2018 Theo helino
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video