Vì cá voi có kích thước khổng lồ nên nhiều người tin rằng, loài vật này có thể nuốt chửng một người trưởng thành. Tuy nhiên, hầu hết cá voi không thể nuốt gọn những vật có kích thước lớn.
Cá voi có lông
Miệng của cá voi lưng gù có thể rộng tới 3 mét nhưng cổ họng chỉ dài gần 40 cm. Chỉ cá nhà táng mới có cổ họng đủ lớn để nuốt chửng những con mồi có kích thước như con người. Nhưng loài vật này sống ở vùng nước sâu, xa bờ nên xác suất con người gặp phải chúng là rất nhỏ.
Khi sinh ra, một số loài cá voi, cá heo có râu ở gần mỏ nhưng râu nhanh chóng biến mất vì các loài này không cần sử dụng lông để giữ ấm khi ở dưới nước. Mặc dù râu biến mất, cá voi và cá heo vẫn có nang lông.
Đây là một trong những đặc điểm tiến hoá phổ biến để con người phân biệt cá voi, cá heo và các loài cá. Bởi vì, chỉ động vật có vú mới có lông, nhiệt độ cơ thể ổn định. Thay vì đẻ trứng, chúng sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ.
Cá voi có thể nhịn thở 2 tiếng dưới nước.
Vì là động vật có vú, cá voi cũng có phổi và trao đổi khí như con người. Trong khi con người hít thở bằng mũi và miệng, cá voi có một lỗ phun nước (còn gọi là lỗ mũi) trên đỉnh đầu. Với cá voi tấm sừng hàm là 2 lỗ phun nước.
Loài vật này điều khiển hoạt động hít thở rất nhịp nhàng, kiểm soát có ý thức nhịp thở và nhịp tim. Hoạt động này giúp điều chỉnh nồng độ oxy trong cơ thể. Đây là cơ chế rất quan trọng đối với các loài động vật có vú sống lặn sâu dưới biển. Khi ở dưới nước, cá voi có thể làm chậm quá trình vận chuyển máu và oxy đi khắp cơ thể bằng cách điều chỉnh nhịp tim.
Tuỳ thuộc vào đặc điểm từng loài, cá voi có thể nín thở dưới nước trong các khoảng thời gian khác nhau. Chẳng hạn, cá voi minke có thể nhịn thở 15 phút trong khi cá nhà táng nín thở đến 90 phút, cá voi mỏ Cuvier là 2 tiếng đồng hồ.
Có gì bên trong lỗ phun nước?
Khi cá voi nổi lên mặt nước, con người thường nghe thấy âm thanh rì rầm như thể chúng đang trò chuyện. Thực tế, chúng đang “thở ra” trước khi hít vào rồi lặn xuống nước. Nhiều người mô tả hoạt động thở ra của cá voi là “phun nước ra khỏi cơ thể”. Vì vậy, lỗ mũi của cá voi còn gọi là lỗ phun nước.
Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Lỗ phun nước của cá voi rất đặc biệt. Nó khép chặt khi cá voi ở dưới mặt nước và mở rộng khi chúng ngoi lên khỏi mặt nước để trao đổi khí.
Không khí ấm, do phổi làm nóng, được thở mạnh ra ngoài qua khoang lỗ mũi trên đỉnh đầu. Hơi nước trong khí thở ra gặp không khí lạnh bên ngoài, ngưng tụ thành một làn khói, chứa những giọt nước li ti. Hiện tượng này cũng giống việc con người thở ra khói vào những ngày trời lạnh giá.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện khi trao đổi khí, cá voi thải ra ngoài môi trường vi khuẩn, chất nhầy và những giọt nước biển bám xung quanh lỗ phun nước. Với loài cá voi lưng gù, khoảng 25 loại vi khuẩn tồn tại trong lỗ phun nước của chúng.
25 loại này khác với các loại vi khuẩn có trong nước biển. Các nhà khoa học nghi ngờ những loại vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra bệnh về đường hô hấp, dẫn đến cái chết bất thường của loài cá voi lưng gù trong những năm gần đây.
Như vậy, cá voi không phun ra nước khi chúng ngoi lên khỏi mặt biển. Quan niệm nước chảy ra từ lỗ mũi của cá voi có thể phản tác dụng khi con người nỗ lực cứu hộ cá voi. Nhiều trường hợp, khi phát hiện cá voi mắc cạn, người cứu hộ đã đổ nước trực tiếp vào lỗ phun nước vì nghĩ rằng cá cần được tiếp nước. Đáng buồn thay, họ đã vô tình giết chết con vật.
Cá voi hát
Hầu hết, ngư dân đều quen thuộc với những âm thanh rì rầm của cá voi và coi đây là bài hát chào gọi của chúng. Những âm thanh này phát ra theo tần số riêng, có thể giúp cá voi “liên lạc” với đồng loại ở khoảng cách rất xa trong đại dương. Nhưng không phải tất cả các loài cá voi đều biết hát.
Giới khoa học ghi nhận một số loài cá voi có thể tạo ra âm thanh như cá voi lưng gù, cá voi xanh, cá voi đầu cong. Cá nhà táng, cá voi hoa tiêu, cá voi beluga có thể phát ra âm thanh hơn 200 decibel. Tần số cao như vậy có thể giết chết con người.
Ngoài ra chỉ cá voi đực mới hát. Chúng tạo ra âm thanh có thể để thách đấu các con đực khác hoặc thu hút con cái. Con đực học hát từ những con cá voi khác trong loài. Các quần thể cá voi khác nhau có những giai điệu khác nhau, có thể thay đổi theo thời gian. Nhờ âm thanh, các nhà nghiên cứu có thể xác định cụ thể từng quần thể cá voi.
Cá mập voi
Hiện nay, giới khoa học đã ghi nhận khoảng 90 loài cá voi trên Trái đất. Họ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những loài mới. Tuy nhiên, một số loài được đặt tên là “cá voi” nhưng thực chất không phải cá voi. Cá mập voi là một ví dụ.
Loài này khi trưởng thành có kích thước như một con cá voi. Con lớn nhất dài khoảng 19 mét nhưng chúng là cá mập thật.
Không giống như cá voi, cá mập là một loài cá. Chúng là loại động vật biến nhiệt, có mang, xương được làm từ sụn, giống với tai và mũi của con người thay vì xương thật. Sự khác biệt rõ ràng nhất nằm ở đuôi. Trong khi đuôi cá voi di chuyển theo hướng lên xuống, đuôi của cá mập di chuyển từ bên này sang bên kia.
Tại vùng biển Madagascar, sự nhầm lẫn này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong khi cá voi được luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt, cá mập voi, dù có nguy cơ tuyệt chủng, vẫn bị xem nhẹ vì thuộc giống cá mập. Các khu bảo tồn tại Madagascar đang kêu gọi chính phủ và thế giới có những biện pháp kịp thời để bảo tồn loài động vật này cũng như các loài cá mập, cá đuối khác.
Cá voi và cá mập đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. Cá voi phân phối chất dinh dưỡng khắp đại dương trong khi cá mập, kẻ săn mồi hàng đầu, kiểm soát các loài săn mồi khác để duy trì hệ sinh thái cân bằng. Tìm hiểu đại dương là một cách giúp con người giữ gìn sự an toàn, lành mạnh cho hệ sinh thái này.