Những thành phố cổ đại tưởng chỉ có trong truyền thuyết

Nhiều thành phố cổ đại tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết được phát lộ sau hàng ngàn năm bị chôn vùi dưới đất, nước hoặc cát sa mạc.

Tuyển tập các thành phố tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết


Một công trình kiến trúc trong thành phố được mệnh danh là Atlantis chìm trong cát.

Thành phố Atlantis chìm trong cát được nhắc nhiều trong kinh Koran và còn được biết đến với tên gọi là Iram - thành phố của những cây cột. Trong kinh Koran, Iram được mô tả như một thành phố được trang hoàng bởi nhiều công trình kiến trúc tráng lệ và là nơi sinh sống của tộc người Ad. Theo truyền thuyết, khi tộc người này quay lưng lại với thánh Alah, nhà tiên tri Hud được phái đến để kêu gọi họ quay trở về tôn thờ thánh Alah và tuân theo Ngài. Tuy nhiên, người dân Iram kịch liệt phản đối và không thèm đếm xỉa đến lời nói của Hud. Vì thái độ này mà người Ad bị trừng phạt và thành phố của họ bị bão cát vần vũ suốt bảy ngày bảy đêm. Cuối cùng, thành phố biến mất dưới lớp cát dày đặc như thể nó chưa bao giờ tồn tại.

Đầu những năm 1990, một đoàn thám hiểm đứng đầu là nhà khảo cổ học và đạo diễn nghiệp dư Nicholas Clapp tuyên bố tìm thấy thành phố cổ Ubar được xác định chính là thành Iram. Họ sử dụng các thiết bị và dữ liệu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) như vệ tinh cảm ứng từ xa, radar xuyên lòng đất, dữ liệu của chương trình Landsat và hình ảnh do tàu con thoi Challenger chụp được. Nhờ vậy, đoàn thám hiểm xác định được các tuyến đường thương mại cổ xưa sử dụng lạc đà làm phương tiện chuyên chở và giao lộ của chúng.

Một trong những giao lộ đó là hố nước nổi tiếng ở Shisr, tỉnh Dhofar, Vương quốc Oman. Khi tiến hành khai quật, đoàn thám hiểm phát hiện một pháo đài lớn hình bát giác với tường, tháp cao xung quanh. Họ tuyên bố đây chính là thành Iram. Dù nhiều người vẫn hoài nghi liệu Ubar và Iram có phải là một, ít ra chúng ta có thể nói rằng câu chuyện về thành Iram lấy cảm hứng từ thành Ubar và được sửa đổi theo thời gian nhằm chuyển tải thông điệp của người dân thành phố rằng họ quy thuận ý nguyện của thánh Alah.


Tàn tích của thành phố cổ đại Helike.

Thành phố Helike nằm ở Achaea, phía tây bắc bán đảo Peloponnese, Hy Lạp. Trong suốt thời hoàng kim, Helike giữ vai trò lãnh đạo Liên minh Achaea đầu tiên gồm 12 thành phố thuộc vùng lân cận. Nhờ vai trò này mà Helike là một trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo quan trọng. Vị thần bảo hộ của thành phố này là Poseidon-thần biển cả và động đất trong thần thoại Hy Lạp. Điều này dễ hiểu bởi thành phố nằm ở một trong những khu vực thường xảy ra động đất ở châu Âu.

Vào một đêm đông năm 373 trước Công nguyên, thành phố Helike bị phá hủy hoàn toàn. Người ta ghi lại được những dấu hiệu báo hiệu ngày tận thế của thành phố sắp đến như sự xuất hiện của "những cột lửa khổng lồ" và những bầy thú nhỏ lũ lượt di cư từ bờ biển về phía các dãy núi vài ngày trước khi thảm họa xảy ra. Một trận động đất lớn, kéo theo là sóng thần từ Vịnh Corinth, đã quét sạch thành phố Helike khỏi mặt đất. Sáng hôm sau, đoàn cứu hộ đến nhưng không tìm thấy một ai sống sót. Helike biến mất hoàn toàn trên bản đồ.

Đầu thế kỷ 19 bắt đầu xuất hiện những phỏng đoán về vị trí thực sự của Helike. Tuy nhiên, mãi đến năm 2001 người ta mới xác định được thành phố này ở Achaea, Hy Lạp. Năm 2012, thành phố được khai quật hoàn toàn và được khẳng định đúng là Helike.


Một khối đá có khắc chữ Hy Lạp và Ai Cập cổ đại ở thành phố Heracleion.

Thành phố Heracleion, quê hương của ngôi đền nơi Cleopatra được tấn phong làm Nữ hoàng Ai Cập, bị nhấn chìm xuống biển Địa Trung Hải cách đây gần 1.200 năm. Trước đó, thành phố là một trong những trung tâm thương mại quan trọng trong khu vực Địa Trung Hải. Suốt nhiều thế kỷ sau đó, người ta vẫn tin rằng thành phố này chỉ có trong truyền thuyết, cũng giống như Atlantis. Nhưng vào năm 2001, một nhà khảo cổ đã tình cờ phát hiện ra nó khi đang lặn tìm tàu chiến của Pháp.

Sau khi loại bỏ hết đất cát, các thợ lặn phát hiện ra thành phố cổ vẫn trong tình trạng tốt. Nhiều thứ được tìm thấy vẫn còn nguyên vẹn như ngôi đền Amun-Gerb, các bức tượng pharaoh khổng lồ, hàng trăm tượng thần nhỏ, một bức tượng nhân sư, 64 tàu cổ, 700 mỏ neo, các khối đá khắc chữ Hy Lạp và Ai Cập cổ đại, hàng chục quan tài bằng đá, đồng xu bằng vàng và những quả cân bằng đồng và đá. Đây là một trong những phát hiện dưới nước quan trọng nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua.


Tàn tích của thành phố cổ đại Urkesh.

Thành phố Urkesh một thời là trung tâm nền văn minh của người Hurria vùng Cận Đông thời cổ đại và được biết đến trong truyền thuyết là quê hương của một vị thần thời nguyên thủy. Thành phố phát triển thịnh vượng từ năm 4000 đến năm 1300 trước Công nguyên. Nó được coi là trung tâm chính trị, tôn giáo lớn và là điểm dừng chân quan trọng trên tuyến đường thương mại bắc-nam nối liền Anatolia với hai thành phố Syria và Mesopotamia, cũng như trên tuyến đường đông-tây nối khu vực Địa Trung Hải với dãy núi Zagros ở miền tây Iran. Urkesh cũng là thủ đô của vương quốc kiểm soát toàn bộ vùng cao nguyên phía bắc nơi có rất nhiều mỏ đồng. Nhờ vậy mà thành phố trở nên giàu có và thịnh vượng.

Không có nhiều thông tin về Urkesh cũng như nền văn minh huyền bí của người Hurria, bởi thành phố này bị chôn vùi dưới cát sa mạc hàng nghìn năm và biến mất trong sử sách. Tuy nhiên, vào những năm 1980, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một gò đất cao có tên là Tell Mozan.

Ở đó, người ta tìm thấy nhiều tàn tích bao gồm một quảng trường, một cầu thang lớn, một đường hầm sâu trong lòng đất được cho là "Đường xuống cõi âm" được đề cập trong các nghi thức tôn giáo và một cung điện hoàng gia rộng lớn chứa nhiều bằng chứng viết tay chứng tỏ đây chính là thành phố Urkesh.


Vị trí vương quốc Cantre’r Gwaelod.

Truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ 6 có một vương quốc mang tên Cantre’r Gwaelod (nghĩa là Trăm vùng đất thấp) được cai trị bởi vua Gwyddno Garanhir. Đến thế kỷ 17, vương quốc được đổi tên theo tên vị vua xứ Wales này thành Maes Gwyddno. Lại có truyền thuyết trước đó kể rằng Mererid, vị nữ tu cai quản một giếng thần, đã để cho nước chảy tràn ra ngoài khiến cả vương quốc bị nhấn chìm mãi mãi.

Cách đây vài thập kỷ, sự xuất hiện của các khu rừng thời tiền sử trong mưa bão ở vịnh Cardigan, phía tây xứ Wales, làm dấy lên giả thuyết cho rằng đó chính là vị trí của vương quốc cổ đại Cantre’r Gwaelod. Trên thực tế, người ta tìm thấy ở đây một lối đi bộ với nhiều cột chống liên kết với nhau, vết chân hóa thạch của người và thú và một số công cụ. Người ta cho rằng vương quốc cổ đại này hiện nằm giữa đảo Ramsey và đảo Bardsey ở vịnh Cardigan và trải dài khoảng 32 km phía tây đường bờ biển đâm ra vịnh.


Cổ vật còn sót lại của thành phố La Ciudad Blance.

Cách đây hai năm, trong một cuộc khảo sát bằng vệ tinh rừng rậm Honduras nơi người dân địa phương vẫn lưu truyền nhiều truyền thuyết về một thành phố cổ đại đã mất, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều vết tích của con người. Họ cho rằng đấy chính là dấu vết của thành phố La Ciudad Blance (nghĩa là Thành phố Trắng), hay còn gọi là Thành phố của Thần Khỉ. Nhưng tất cả những gì họ có chỉ là những bức ảnh quét không rõ ràng của khu rừng.

Tuy nhiên, đầu năm nay người ta đã tiến hành khai quật và khẳng định rằng những gì hiển thị trên ảnh vệ tinh chính là vết tích của một nền văn minh đã mất.

Các nhà khảo cổ đã phát lộ nhiều quảng trường rộng, công sự, gò, kim tự tháp bằng đất và hàng chục đồ vật được chạm khắc tỉ mỉ thuộc về một nền văn hóa huyền bí mà con người chưa từng biết đến.

Theo truyền thuyết, thành phố La Ciudad Blance ẩn mình trong khu rừng nguyên sinh Mosquitia ở miền đông Honduras. Vị tướng người Tây Ban Nha Hernán Cortés từng nghe được nhiều thông tin "đáng tin cậy" về tàn tích của thành phố cổ này nhưng chưa xác định được vị trí của nó. Năm 1927, phi công Charles Lindbergh nói rằng đã trông thấy những đài kỉ niệm được xây bằng đá trắng khi bay trên bầu trời miền đông Honduras.

Cho đến những năm 1930, có rất nhiều lời đồn về một nơi ở Honduras gọi là "Thành phố của Thần Khỉ" được cho là La Ciudad Blance. Năm 1939, nhà thám hiểm Theodore Morde tuyên bố tìm ra và mang về Mỹ hàng nghìn cổ vật để chứng minh điều đó. Morde cho biết, những người bản xứ nói rằng ở đó có chôn một bức tượng khổng lồ của Thần Khỉ. Ông chưa từng tiết lộ vị trí nơi ông tìm thấy những cổ vật đó vì sợ có kẻ đến cướp bóc và phá hủy trước khi ông trở lại để tiến hành khai quật.

Năm 1952, nhà thám hiểm Tibor Seklj tiến hành tìm kiếm Thành phố Trắng trong một dự án do Bộ Văn hóa Honduras tài trợ nhưng trở về tay không. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát vào những năm 1990 sau khi nghe được những báo cáo về truyền thuyết này trên các phương tiện thông tin đại chúng và thu được kết quả quan trọng đầu tiên vào năm 2012. Đến nay các nhà khảo cổ đã phát lộ một quần thể rộng lớn còn nguyên vẹn kể từ khi thành phố bị bỏ hoang cách đây hàng thế kỷ, thậm chí là hàng thiên niên kỷ.


Ngôi đền thành phố Musasir ở cao nguyên Armenia.

Ngôi đền thành phố cổ Musasir là ngôi đền quan trọng của Ararat thờ thần Haldi, vị thần tối cao của vương quốc thời đồ sắt Urartu. Vương quốc này lấy hồ Van thuộc cao nguyên Armenia làm trung tâm và diện tích của nó bao trùm lãnh thổ các nước ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Armenia. Ngôi đền được xây dựng tại thánh địa Ararat vào năm 825 trước Công nguyên. Tuy nhiên, sau khi thành phố Musasir rơi vào tay người Assyria vào thế kỷ 8 trước Công nguyên, ngôi đền không còn được nhắc đến trong sử sách.

Ngôi đền tồn tại từ khi người Urartia, Assyria và Scythia còn đang xung đột với nhau trong cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát khu vực mà nay là miền bắc Iraq. Theo những dòng chữ cổ được khắc trong ngôi đền, Musasir là "thánh địa được xây dựng trên nền đá" và là "thành phố quạ" trong khi bản thân cái tên Musasir có nghĩa là "lối thoát của rắn". Hình ảnh ngôi đền được khắc họa trong bức phù điêu của người Assyria ca ngợi chiến công của vua Sargon II sau khi đánh bại "bảy vị vua của Ararat" vào năm 714 trước Công nguyên và được trưng bày làm vật trang trí tại cung điện của ông tại Khorsapat.

Người ta đã tiến hành nghiên cứu và khai quật trong nhiều năm nhằm xác định vị trí của ngôi đền cổ thành Musasir nhưng không thành công. Mãi đến tháng 7/2014, các nhà khảo cổ học mới tìm ra nó tại vùng Kurdistan ở miền bắc Iraq. Những bằng chứng khảo cổ tìm được bao gồm những bức tượng có kích thước giống người thật và nhiều chân cột của ngôi đền thờ thần Haldi có niên đại trùng với thời điểm xây dựng đền thờ Musasir.


Ảnh quét thành phố cổ đại Mahendraparvata.

Năm 2014, các nhà khảo cổ học Australia sử dụng công nghệ cảm ứng từ xa tân tiến và khám phá ra thành phố 1.200 năm tuổi Mahendraparvata, xuất hiện sớm hơn cả quần thể đền Angkor Wat 350 năm ở tây bắc Campuchia.

Damian Evans, giám đốc trung tâm nghiên cứu khảo cổ học tại Campuchia thuộc Đại học Sydney, và nhóm nghiên cứu làm việc tại thành phố Siem Reap được phép sử dụng công nghệ laser Lidar tại khu vực rừng rậm Campuchia. Đây cũng là lần đầu tiên công nghệ hàng không được đưa vào sử dụng trong nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực châu Á nhiệt đới. Khi các dữ liệu mà Lidar cung cấp hiển thị trên màn hình máy tính cũng là lúc người ta phát hiện ra thành phố này.

"Với thiết bị này, chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy ngay lập tức hình ảnh một thành phố mà chưa ai biết đã từng tồn tại, quả là phát hiện phi thường", Evans nói.

Sau nhiều năm nghiên cứu thực địa, cuối cùng các nhà khảo cổ đã tìm ra thành phố này nơi người dân sinh sống tập trung trên núi Phnom Kulen. Nó là một phần của Đế quốc Khmer từng thống trị phần lớn khu vực Đông Nam Á từ năm 800 đến năm 1400 sau Công nguyên.

Nhờ những dữ liệu mà thiết bị Lidar cung cấp, đội khảo cổ đã phát hiện được tàn tích của 5 ngôi đền chưa từng được ghi chép lại, một bức tượng Phật cỡ lớn, dấu tích của kênh đào, đường xá và hàng trăm mô đất bí hiểm có thể là các lăng mộ nằm rải rác khắp thành phố. Họ cũng tìm được một hang động với nhiều bức chạm khắc có ý nghĩa lịch sử được dùng làm nơi ẩn dật của các cư sĩ mộ đạo thời Angkor. Công cuộc nghiên cứu và khai quật thành phố cổ Mahendraparvata mới chỉ ở giai đoạn đầu và các nhà khảo cổ chưa biết được họ sẽ tìm được gì thêm nữa.


Thành phố kim tự tháp 5.000 năm tuổi Caral.

Mesopotamia, Ai Cập, Trung Quốc và Ấn Độ được biết đến là cái nôi của những nền văn minh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, ít người biết được rằng có một nền văn minh vĩ đại đã xuất hiện đồng thời và có thể là trước cả khi những xã hội này được hình thành. Đó chính là nền văn minh Norte Chico ở thung lũng Supe, Peru, và là nền văn minh sớm nhất ở châu Mỹ. Thủ phủ của nền văn minh này là thánh địa Caral 5.000 năm tuổi nổi tiếng với tập quán canh tác đa dạng, nền văn hóa phong phú và nhiều công trình kiến trúc hoành tráng.

Thành phố cổ Caral ẩn mình dưới cát hàng nghìn năm. Đến năm 1905, nhà khảo cổ học người Đức Max Uhle tiến hành khảo sát thung lũng Supe, nằm cách phía bắc Lima trên bờ Thái Bình Dương thuộc Peru hơn 321 km, và phát hiện ra những di tích khảo cổ đầu tiên tại khu vực này. Vài thập kỷ sau, một cuộc khai quật quy mô lớn diễn ra, hé lộ một phần rất nhỏ của thành phố cổ đại rộng lớn này. Vào những năm 1970, các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng những ngọn đồi tìm thấy ở đây chính là các kim tự tháp có bậc. Đến những năm 1990, toàn bộ thành phố cổ đại Caral được phát lộ. Người ta tìm thấy ở đây 6 kim tự tháp lớn bao quanh một quảng trường rộng. Các công trình công cộng bao gồm cầu thang, phòng ốc, sân vườn, một nhà hát ngoài trời và ba quảng trường trũng ở giữa.

Tầng lớp quý tộc sinh hoạt trong những căn phòng rộng lớn trên đỉnh của kim tự tháp, thợ thủ công sống trong những khu nhà ở tầng trệt, còn những người làm công sống trong các khu nhà nhỏ xa trung tâm. Ước tính có khoảng 3.000 người sinh sống ở Caral. Các nhà nghiên cứu tin rằng mô hình thành phố thường thấy ở nhiều nền văn minh bắt nguồn từ nền văn minh Norte Chico.


Hai thành phố cổ của người Maya.

Năm 2014, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều dấu tích về hai thành phố của người Maya đã biến mất từ lâu tại khu vực rừng rậm Mexico như đền đài hình kim tự tháp, cung điện, cổng vào hình miệng quái vật, sân bóng, án thờ và nhiều công trình kiến trúc bằng đá khác. Một trong hai thành phố, Lagunita, đã được thấy cách đó mấy thập kỷ nhưng mọi nỗ lực xác định lại vị trí tàn tích đều thất bại.

Một trong những đặc điểm nổi bật của thành phố này là cổng vào hình miệng quái vật khổng lồ tượng trưng cho thần sinh sản của người Maya. Phía sau cánh cổng này là ngôi đền hình kim tự tháp cao 20 m và tàn tích của một quần thể cung điện bao quanh bốn quảng trường lớn. Gần đó có rất nhiều tượng đá và một số án thờ với các bức chạm khắc được lưu giữ nguyên vẹn.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra gần khu vực thành cổ Lagunita một cụm các di tích chưa từng được biết đến trước đó bao gồm một ngôi đền hình kim tự tháp, một án thờ, một vệ thành có ba ngôi đền bao quanh. Các nhà nghiên cứu đặt tên cho thành phố này là Tamchen (nghĩa là giếng sâu), sau khi tìm thấy ở đây hơn 30 hốc lớn dưới mặt đất dùng để trữ nước mưa.

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video