Bán đấu giá vợ, bán thuốc ho chứa morphine để dỗ trẻ quấy khóc, chữa bệnh bằng khói thuốc lá… là những đức tin sai lầm của loài người trong quá khứ, thời điểm y học chưa phát triển.
Bán đấu giá vợ
Dưới thời trung cổ, phụ nữ là những người luôn luôn phải phụ thuộc vào các đức lang quân của mình. Sau khi cưới, cặp vợ chồng trở thành 1 thể thống nhất, nghĩa là người vợ không được quyền sở hữu tài sản và chính họ cũng trở thành tài sản thuộc sở hữu của chồng. Không rõ tục lệ đấu giá vợ này bắt đầu từ khi nào, nhưng các bản ghi cho thấy có thể nó bắt đầu từ cuối thế kỷ 17. Trước khi cuộc đấu giá diễn ra, sẽ có thông báo được đăng tải trên các báo địa phương.
Cuộc đấu giá thường diễn ra tại các chợ địa phương. Người vợ sẽ bị buộc dây thừng vào cổ, cánh tay hoặc eo và dẫn đi. Người đấu giá cao nhất sẽ thắng cuộc và trở thành chồng mới của người phụ nữ này. Bán đấu giá vợ là một tục lệ phổ biến vào thế kỷ 18-19 dành cho những quý ông bất mãn về cuộc hôn nhân của mình.
Trong hầu hết trường hợp, các đôi vợ chồng không chọn cách ly hôn công khai vì quá trình ly hôn tại tòa rất tốn thời gian và tiền bạc. Thay vào đó họ bán đấu giá vợ của mình. Cũng có khi chính người phụ nữ tự sắp xếp cuộc đấu giá cũng như tiền bạc để người khác có thể giúp cô ly hôn. Tục lệ này kết thúc vào đầu thế kỷ 20.
Chữa bệnh bằng khói thuốc
Đây là một quy trình chữa bệnh được sử dụng rộng rãi vào thế kỷ 19 tại các nước phương Tây. Người ta sẽ sử dụng một ống thông để đưa khói thuốc lá vào trực tràng bệnh nhân nhằm mục đích chữa bệnh. Các sản phẩm từ thuốc lá nhanh chóng được công nhận là “thuốc” sau khi chúng được nhập khẩu từ Tân thế giới. Các bác sĩ thời này tin rằng, thuốc lá có thể chữa được rất nhiều bệnh như đau đầu, suy hô hấp, đau bụng, cảm cúm và ngủ rũ. Phương pháp đưa khói thuốc vào trực tràng là một kỹ thuật “nhập khẩu” từ người da đỏ Bắc Mỹ.
Người ta tin rằng phương pháp chữa bệnh kỳ lạ này có thể giảm những đau đớn ở đường ruột cũng như cứu được những người sắp chết đuối do khói thuốc có thể tái lập hô hấp trong cơ thể. Thậm chí vào thế kỷ 19, phương pháp này còn được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện như một cách hô hấp nhân tạo và chữa chứng thoát vị.
Những công kích về tác dụng của thuốc lá xuất hiện vào đầu thế kỷ 17 khi vua James I bác bỏ tác dụng của thuốc lá. Đến năm 1811, nhà khoa học Anh Benjamin Brodie đã phát hiện ra rằng nicotine trong thuốc lá sẽ làm tắc nghẽn tuần hoàn máu ở động vật. Phát hiện này đã làm giảm nhanh chóng số người sử dụng phương pháp đưa khói thuốc vào trực tràng và đến thế kỷ 19 chỉ còn 1 số ít bác sĩ dùng phương pháp này.
Thí nghiệm trên thỏ
Vào thời xa xưa chưa có các xét nghiệm thai sớm như hiện nay nên đã xuất hiện rất nhiều kỹ thuật thử thai kỳ lạ. Ở Hy Lạp và Ai Cập cổ đại, người ta dùng lúa mì và lúa mạch để thử thai. Người nữ sẽ tiểu tiện vào túi và nếu lúa rơi ra ngoài nghĩa là họ có mang. Hippocrates còn gợi ý rằng phụ nữ có thể uống nước pha mật ong trước khi đi ngủ và nếu họ bị đau bụng nghĩa là họ có thai.
Đến thời Trung Cổ, các nhà khoa học bắt đầu quan tâm tới việc xét nghiệm nước tiểu để phát hiện thai. Năm 1928, một bước đột phá lớn đã được thực hiện khi 2 nhà khoa học người Đức là Selmar Aschheim và Bernhard Zondek đã phát hiện ra hormone HCG là do nhau thai tiết ra, cũng chính là dấu hiệu giúp phát hiện thai sớm.
Tới năm 1927, Zondek và Aschheim tiến hành các thí nghiệm thử thai trên thỏ bằng cách tiêm nước tiểu của phụ nữ vào con thỏ cái. Sau vài ngày, nếu buồng trứng của thỏ phản ứng với nước tiểu, nghĩa là có tồn tại HCG và người phụ nữ được xác nhận mang thai. Thí nghiệm này là một bước đột phá về thử thai chính xác và được sử dụng rộng rãi từ những năm 1930-1950. Tất cả những con thỏ từng được sử dụng trong chương trình đều đã bị phẫu thuật và tử vong. Ngày nay, người ta không còn sử dụng động vật sống trong việc xác định mang thai nữa nhưng thí nghiệm về thỏ này thực sự là bước tiến lớn trong thế kỷ 20.
Si rô êm dịu của bà Winslow
Vào thế kỷ 19 và 20, dân số thế giới bắt đầu tăng nhanh. Nhiều công ty bắt đầu tiến hành hàng loạt các thử nghiệm thuốc. Rất nhiều chất có tác động tức thời đến não bộ đã được phát hiện. Một số công ty dược phẩm đã lợi dụng cơ hội tung ra thị trường những sản phẩm mang độc tính, trong đó có sản phẩm Si rô êm dịu của bà Winslow, do bà Charlotte N. Winslow sản xuất và lưu hành tại Bangor, Maine, Mỹ vào năm 1849.
Si rô này được quảng cáo giúp “người và động vật có thể an tâm đi vào giấc ngủ”, được dùng để dỗ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ quấy khóc ban đêm. Công thức của sản phẩm này chứa thuốc phiện, morphine, natri cacbonat và cả ammoniac ngậm nước, các chất vô cùng độc hại.
Tuy nhiên, người ta vẫn sử dụng liên tục sản phẩm này vào thế kỷ 19 để dỗ con ngủ. Khi uống vào, nhịp tim trẻ bị giảm ngay lập tức và trẻ sẽ rơi vào trạng thái mê man. Sản phẩm này đã được quảng bá rộng rãi và được sử dụng tại Anh và Mỹ trong suốt thế kỷ 19.
Đến đầu thế kỷ 20, những tai tiếng bắt đầu dấy lên khi một số bé sơ sinh đã tử vong sau khi uống thuốc. Đến năm 1911, cơ quan Dược phẩm Hoa Kỳ chính thức xác nhận sản phẩm Si rô êm dịu của bà Winslow là sản phẩm gây chết người. Tuy nhiên đến năm 1930 sản phẩm mới được ngừng bán tại Anh.
Phẫu thuật thùy não
Nửa đầu thế kỷ 20 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các phương thức chữa bệnh kỳ lạ tại châu Âu và Bắc Mỹ. Một trong số đó là việc sử dụng thuốc an thần liều cao để điều trị mất ngủ làm cho bệnh nhân bất tỉnh nhiều ngày hay nhiều tuần, đôi khi làm bệnh nhân không thoát khỏi được tình trạng hôn mê sâu. Phương pháp nguy hiểm này được thực hành liên tục bởi bác sĩ Harry Bailey trong những năm 1962-1979 tại bệnh viện tư Chelmsford, Sydney.
85 bệnh nhân đã chết tại bệnh viện Chelmsford do loại thuốc này và phương pháp trên bị bãi bỏ. Đến năm 1933-1934, phương pháp sốc điện được lưu hành nhưng cũng không có hiệu quả. Đến năm 1935 nhà tâm thần học người Bồ Đào Nha António Egas Moniz đưa ra phương pháp phẫu thuật thùy não bao gồm việc cắt các kết nối đến và đi từ vỏ não trước trán, phần trước của các thùy trán của não bằng cách khoan vào đầu bệnh nhân và phá hủy mô xung quanh thùy trán. Moniz đã tiến hành phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhân bị bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn hoảng sợ và hưng cảm.
Bất chấp những phản đối về các tác dụng phụ nguy hiểm đã được phát hiện phẫu thuật thùy não được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới. Năm 1949, António Egas Moniz thậm chí còn được trao giải Nobel y học. Đã có hàng chục ngàn bệnh nhân tại Mỹ, Anh và Bắc Âu bị phẫu thuật thùy não và không qua khỏi. Ngày nay, phẫu thuật thùy não bị xem là bất hợp pháp tại một số quốc gia trên thế giới.
George mũi to
Vào thế kỷ 19, một tục lệ quái dị đã ra đời là sử dụng da người để đóng bìa sách hay làm giày. Da của các bệnh nhân qua đời hoặc những phạm nhân bị kết án sẽ được dùng để bọc các cuốn sách về giải phẫu hay di chúc hoặc các bản luận tội. Một trong những tội nhân bị dùng da để thuộc sách là Geore Parrott có biệt hiệu “Mũi to”. Hắn bị buộc tội giết 2 nhân viên hành pháp tại Mỹ và bị bắt vào năm 1880.
George bị kết án treo cổ vào 2/4/1881, tuy nhiên hắn đã trốn thoát khi đang ngồi tù tại Rawlins. Sau khi hắn trốn thoát, một nhóm 200 người tại Rawlins đã truy bắt George, giết hắn rồi treo lên một cột điện. Hai bác sĩ Doctors Thomas Maghee và John Eugene Osborne được quyền sở hữu cơ thể George để nghiên cứu não bộ. Phần trên hộp sọ của hắn bị cắt ra và cho một nữ bác sĩ tên là Lilian Heath và được cô này dùng làm… gạt tàn thuốc, ống đựng bút và chặn cửa.
Da đùi, ngực và mặt của George bị lột ra và đưa đến một xưởng thuộc da tại Denver để làm một đôi giày và một túi y tế. Đôi giày này sau đó đã được John Eugene Osborne mang trong lễ nhậm chức ứng cử viên đảng Dân chủ của bang Wyoming. Ngày nay đôi giày được trưng bày tại bảo tàng Carbon County cũng một số bộ phận khác của George.
Drapetomania
Drapetomania là một thuyết được đưa ra bởi nhà tâm lý học A. Cartwright vào năm 1851 trong đó mô tả các nô lệ da đen là những người mắc chứng rối loạn tâm thần và luôn muốn chối bỏ thân phận nô lệ bị giam hãm của mình. Nguyên nhân ông đưa ra là do các chủ nô đã “hành xử quá thân thiện với nô lệ và khiến họ cảm thấy mình bình đẳng với những người khác”.
Trong báo cáo, Cartwright còn viết “nếu người nô lệ dám ngẩng mặt lên nhìn chủ nhân thì phải trừng phạt nghiêm khắc cho tới khi họ cúi đầu xuống. Họ phải bị quản thúc như những đứa trẻ để đề phòng trốn thoát”. Về biện pháp đối phó với những nô lệ cứng đầu, Cartwright còn đề nghị “Đánh đập để đuổi quỷ” ra khỏi cơ thể họ.
Hoàng tử chịu đòn
Thời Trung Cổ, các vị vua được xem là có quyền lực tối thượng như chúa trời. Họ không quan tâm tới ước muốn của nhân dân mà chỉ hành động theo ý Chúa. Tuy nhiên sau cuộc Cách mạng Pháp-Mỹ vào thế kỷ 18, quyền lực này đã từng bước bị bãi bỏ.
Trước đó, thuyết quyền lực tối cao cho rằng chỉ có đức vua mới có quyền dùng đòn roi để dạy bảo con mình. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các gia sư vì họ không thể đánh hoàng tử. Một giải pháp thay thế đã được đưa ra là các gia sư sẽ đánh một cậu bé trước mặt hoàng tử để răn đe. Những cậu bé này thường thuộc tầng lớp cao quý và đi học cùng hoàng tử từ nhỏ. Các cậu bé chịu đòn cũng được xem là bạn thân của hoàng tử vì hoàng tử không làm bạn với dân thường. Tuy nhiên, họ thường phải sống trong đau khổ và đòn roi suốt thời thơ ấu.
Mimizuka
Thời Sengoku của Nhật Bản là một kỷ nguyên của biến động xã hội, mưu đồ chính trị và xung đột quân sự gần như liên tục. Vào thời đó, các binh sĩ thường chặt đầu kẻ thù như một chiến công. Trong cuộc chiến giữa Nhật và Triều Tiên từ năm 1592-1598, có khoảng 1 triệu binh sĩ Triều Tiên đã tử trận. Tai và mũi của họ đã bị các binh sĩ Nhật cắt ra như những chiến công. Lãnh chúa Hideyoshi đã tập hợp những bộ phận cơ thể này để xây một công trình gọi là Mimizuka chứa 38.000 phần thi thể của các binh sĩ Triều Tiên. Ngày nay đây vẫn là một công trình gây đau thương và tránh được nhắc tới ở cả Nhật Bản và Triều Tiên.
Chứng cuồng loạn (hysteria) ở phụ nữ
Chứng cuồng loạn ở phụ nữ đã được phát hiện hàng trăm năm trước tại Mỹ và Tây Âu. Phụ nữ mắc chứng này thường “bị ngất, mất ngủ, giữ nước, nặng nề trong bụng, co thắt cơ, khó thở, khó chịu, chán ăn hoặc chán quan hệ tình dục, và "xu hướng gây rắc rối". Các phương pháp trị bệnh này trong quá khứ mới thực sự kỳ lạ khi họ luôn đổ lỗi chứng hysteria là do bất mãn trong đời sống tình dục. Vì lý do đó, các nữ bệnh nhân phải trải qua các cuộc massage đặc biệt được thực hiện bởi các bác sĩ cho tới khi họ đạt được khoái cảm. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi vào những năm 1900. Sau này, khi ngành công nghiệp tình dục phát triển, các trường hợp mắc hysteria giảm dần và ngày nay nó không còn được coi là bệnh nữa mà chỉ là chấn động tâm lý.