Nhiều bệnh nhân đau răng lập tức thoát khỏi cơn đau nhờ chiếc răng sâu tự phát nổ một cách bí ẩn.
Vào thế kỷ 19, bác sĩ nha khoa WH Atkinson ở Mỹ công bố trên tạp chí The Dental Cosmos về nhiều trường hợp bệnh nhân có răng tự phát nổ. Ông từng gặp ba trường hợp bệnh nhân như vậy.
Bệnh nhân đầu tiên là một giáo sĩ đến từ Springfield, Mỹ vào năm 1817. Cơn đau bắt đầu từ răng nanh bên phải hoặc răng hàm trước. Dần dần, cơn đau tăng lên đến mức ông ta không thể chịu được. Ông ta dùng đủ mọi cách để giảm đau nhưng không hiệu quả.
Trước khi có các dịch vụ nha khoa, cơn đau răng từng hành hạ con người. Theo điều tra của Đại học Sussex, Anh, vào năm 1862, một người đàn ông từng khóc lóc vật vã trong suốt 5 tháng vì đau răng. Vị giáo sĩ may mắn không phải chịu cơn đau kéo dài như vậy. Vào 9 giờ sáng ngày hôm sau, răng của ông ta phát nổ và sau đó ông không còn cảm thấy đau nữa.
Kim loại dùng để hàn răng có thể làm tăng lượng khí hydro trong răng, khiến răng phát nổ. (Ảnh: Alamy).
13 năm sau, bà Letitia D, người chỉ sống cách đó vài kilomet, cũng trải qua trường hợp tương tự. Bà bị đau răng trong thời gian dài và cơn đau chỉ chấm dứt khi chiếc răng phát nổ vỡ vụn. Trường hợp cuối cùng diễn ra vào năm 1855. Bà Anna PA cho biết răng nanh trái của bà phát nổ từ trước ra sau.
Răng phát nổ là trường hợp kỳ lạ nhưng không hiếm gặp. Theo Tạp chí Nha khoa của Anh, các ca nổ răng với nhiều chi tiết tương tự nhau từng xảy ra.
Năm 1871, bác sĩ nha khoa người Mỹ J Phelps Hibler chữa trị cho một nữ bệnh nhân trẻ bị nổ răng hàm khi đánh răng.Vụ nổ răng để lại dư chấn mạnh tới mức cô gái bị điếc trong vài ngày sau đó. Sau đó, 5-6 trường hợp khác được ghi nhận trong thế kỷ 19. Nhưng từ những năm 1920, không có vụ vỡ răng nào xảy ra.
Hugh Devlin, giáo sư về Phục hồi Nha khoa tại Đại học Nha khoa Manchester, Anh, cho biết dù các bệnh răng miệng rất phổ biến nhưng ông chưa bao giờ nghe về trường hợp răng phát nổ. Ông cho rằng trường hợp răng phát nổ của các nhà thám hiểm Nam Cực vào thập niên 1960 là do sâu răng bởi chế độ ăn uống có hàm lượng đường cao.
Trong một bài viết vào năm 1860, Atkinson đưa ra hai hướng lý giải cho hiện tượng kỳ lạ này. Theo giả thuyết thứ nhất, chất calo được hình thành trong răng, làm tăng áp lực lên tủy răng. Giả thuyết này bị bác bỏ ngay lập tức vì nó dựa trên một lý thuyết khoa học lỗi thời cho rằng calo là chất chống thấm có khả năng làm tăng áp lực. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh chất này không tồn tại.
Nhiều giả thuyết được đưa ra về hiện tượng răng phát nổ trong miệng người bệnh. (Ảnh: Alamy).
Giả thuyết thứ hai là sâu răng làm tăng lượng khí tích tụ trong răng khiến răng phát nổ. "Chúng ta không rõ khí tích tụ trong răng có đủ làm răng phát nổ không vì răng có cấu trúc rất chắc chắn. Các nha sĩ thế kỷ 19 không hiểu về sâu răng. Họ cho rằng sâu răng đến từ bên trong nhưng thực chất đó là do chế độ ăn uống và lượng vi khuẩn tích tụ trên bề mặt răng gây ra", giáo sư Devlin phản bác.
Có lẽ, câu trả lời phù hợp nhất đến từ hóa chất con người dùng để hàn răng. Trước khi thủy ngân được sử dụng vào năm 1830, những chất khác như chì, thiếc, bạc và các hợp kim từng được dùng để hàn răng. Andrea Sella, giáo sư Hóa vô cơ tại Đại học London, Anh, chỉ ra nếu hai kim loại khác nhau được sử dụng để hàn răng, chúng sẽ tạo ra một kiểu pin điện hóa. Toàn bộ miệng sẽ biến thành một bộ pin điện áp thấp vì các hỗn hợp kim loại trong miệng có thể tự phát điện. Điều này làm tăng khả năng tích tụ khí hydro trong răng.
Một chiếc răng suy yếu có thể phát nổ dưới áp lực này. Thậm chí, khí hydro có thể phát nổ nếu bị đốt cháy trong khi bệnh nhân hút thuốc hoặc kim loại trong miệng phát ra tia lửa. Tuy nhiên, các bệnh nhân có răng phát nổ chưa từng hàn răng nên giả thuyết này không chính xác. Hiện nay, nguyên nhân của các vụ nổ răng vẫn còn là bí ẩn.