Những ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân "điên khùng" trong lịch sử

Kể từ khi được phát minh, vũ khí hạt nhân được sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau. Trong số đó có những ý tưởng khá "điên rồ".

Vũ khí hạt nhân được người Mỹ chế tạo ra trong dự án tối mật Manhattan trong Thế chiến II vì lo sợ sự lớn mạnh của Đức Quốc xã. Kể từ đó tới nay, đây luôn được xem là “phát minh sẽ kết thúc mọi phát minh khác” bởi sức công phá khủng khiếp của loại vũ khí này.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng trong lịch sử, vũ khí hạt nhân cũng từng được “chuẩn bị” để sử dụng cho nhiều mục đích “quái đản” khác nhau. Cùng điểm lại một vài ý tưởng có phần kì lạ đó qua bài viết dưới đây.

1. Ném bom hạt nhân lên Mặt trăng

Sputnik là chuỗi các vệ tinh nhân tạo được Liên Xô sản xuất ra trong thập niên 1950 nhằm chinh phục vũ trụ. Sự thành công của ý tưởng này thời điểm đó đã đe dọa nghiêm trọng tới thể diện của nước Mỹ.

Nhằm chứng minh sức mạnh của mình, vào năm 1958, Không quân Hoa Kỳ khởi xướng dự án A119 nhằm kích nổ một quả bom hạt nhân trên Mặt trăng.


Mặt trăng là mơ ước chinh phục của cả Mỹ và Liên Xô vào thời điểm đó.

Leonard Reiffel - một nhà vật lý học tại Illinois đã tiết lộ phần nào nội dung chi tiết của dự án trên. Theo lời ông kể, “Mục tiêu chính của việc ném bom Mặt trăng là một động thái PR. Không quân Mỹ muốn một đám mây hình nấm khổng lồ từ vụ nổ Mặt trăng có thể được nhìn thấy từ Trái đất”.

Dự án này được đẩy nhanh dưới sức ép của những tin đồn, nhất là từ Joshua Lederberg - một nhà sinh vật học nổi tiếng thời đó. Theo đó, năm 1957, nhiều người nghi ngờ rằng Liên Xô đang tiến hành một dự án tương tự A119 của Mỹ: ném bom lên Mặt trăng.


Cả hai quốc gia đều mong muốn ném bom hạt nhân lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất.

Nhưng không chỉ tạo ra một đám mây hình nấm như bom nguyên tử thông thường, Liên Xô định tạo hình cho vụ nổ, giống một ngôi sao màu đỏ trên Mặt trăng.


Mỹ mong muốn được thấy một "cây nấm khổng lồ" trên Mặt trăng.


Trong khi Liên Xô muốn những ngôi sao màu đỏ trên Mặt trăng.

Tuy nhiên, cuối cùng ý tưởng trên đã không được hiện thực hóa và cho tới ngày nay, Mặt trăng vẫn còn nguyên vẹn.

2. Dùng bom hạt nhân đẩy lùi các cơn bão

Giữa thập niên 50 của thế kỷ XX, Jack W.Reed - một nhà khí tượng học tại phòng thí nghiệm Sandia (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu hiệu ứng khí quyển tạo ra bởi vụ thử bom hydro đầu tiên của Mỹ.


Mọi vụ nổ hạt nhân đều gây ra những hiệu ứng khí quyển ghê gớm.

Sau nghiên cứu này, ông nảy sinh ý tưởng sử dụng bom hạt nhân để đẩy lùi các cơn bão. Trong bài báo cáo tại chương trình Plowshare năm 1959, Reed đưa ra giả thuyết: một vụ nổ hạt nhân trong mắt bão sẽ đánh bật không khí ẩm ở tâm bão.

Thay thế vào đó, không khí lạnh và đặc sẽ tràn vào thế chỗ, làm cơn bão suy yếu một cách dần dần.


Liệu rằng nếu cho nổ hạt nhân ở tâm bão, cơn bão có được đẩy lùi hay không?

Ý tưởng này cuối cùng cũng không mấy nhận được sự chú ý của giới khoa học. Cho tới nay, nó vẫn chỉ là một ý tưởng được đánh giá là “điên rồ”.

3. Dùng bom hạt nhân để sắp xếp lại hệ Mặt trời

Chúng ta biết rằng, Trái đất là hành tinh thứ 3 trong hệ Mặt trời. Tuy nhiên, trước đây đã có thời điểm con người muốn thay đổi trật tự đó. Năm 1961, trả lời phỏng vấn hãng tin AP, nhà thiên văn học Fritz Zwicky đã mạnh dạn đề xuất một ý tưởng sử dụng bom hạt nhân và vũ khí hạt nhân một cách "lạnh gáy".


Hệ Mặt trời của chúng ta ban đầu như thế này...

Cụ thể, ông cho rằng con người có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để thay đổi quỹ đạo của các hành tinh khác. Sao Thủy và Sao Kim vốn rất gần Mặt trời nên quá nóng, nhưng nếu ném bom hạt nhân lên vị trí thích hợp, con người có thể đẩy quỹ đạo của hai hành tinh này lại gần Trái đất hơn.

Đồng thời, bom hạt nhân cũng có thể phá hủy bầu khí quyển độc ở Sao Mộc, tách nhỏ hành tinh này ra, đem lại sự sống cho con người trên đó.


...nhưng dưới sức mạnh của những vụ nổ hạt nhân lớn...


...biết đâu, chúng ta lại có một hệ Mặt trời hoàn toàn mới?

Song, ý tưởng khác người này cuối cùng cũng rơi vào quên lãng và không thể trở thành hiện thực.

4. Sử dụng bom khinh khí xây đập thủy điện giữa sa mạc

Nhắc tới sa mạc, người ta nghĩ ngay tới những cồn cát vàng gần như bất tận, cái nóng oi ả, bão cát và nhất là sự thiếu nước. Vậy mà từ năm 1912, nhà địa chất học người Đức - Albrecht Penck đã từng có tham vọng xây một hồ nước lớn giữa sa mạc ở Ai Cập.

Sau khi vũ khí hạt nhân ra đời, ý tưởng trên lại càng có cơ hội được hiện thực hóa. Trong thập niên 1970, công ty Lahmeyer International của Tây Đức đã tiến hành một nghiên cứu nhằm thực hiện ý tưởng trên. Họ dự định xây một con kênh dẫn nước lớn ở khu vực Qattara Depression, Ai Cập - nơi vốn thấp hơn mực nước biển 436m.


Ảnh chụp khu vực Qattara Depression.

Nếu xây dựng thành công, nước từ biển Địa Trung Hải sẽ chảy vào vùng này và bốc hơi dưới cái nóng của sa mạc. Vòng tuần hoàn trên sẽ tạo ra dòng chảy liên tục vào đây, thuận lợi cho việc xây dựng nhà máy thủy điện ngay giữa những cồn cát.

Theo tính toán, chi phí cho một dự án như vậy sẽ tiêu tốn 3,3 tỉ USD (khoảng hơn 66.000 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại). Tuy nhiên, công ty này đã đề xuất với chính phủ Ai Cập khi đó sẽ làm dự án chỉ với 1,2 tỷ USD (khoảng hơn 24.000 tỷ VND) nếu sử dụng 200 quả bom khinh khí.


Nếu sử dụng bom khinh khí, người ta hy vọng rằng có thể tạo nên một con kênh lớn dẫn nước vào giữa sa mạc.

Kết quả của đề xuất này lại thất bại khi chính quyền Ai Cập đã từ chối chi số tiền quá lớn cho một dự án chưa chắc chắn như vậy.

Cập nhật: 01/11/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video