Hội đồng Nobel thuộc Viện Karolinska, Thuỵ Điển, vừa công bố quyết định trao Giải Nobel Y học 2005 cho hai nhà khoa học Australia - Barry J. Marshall và J. Robin Warren - do đã khám phá ra vi khuẩn Helicobacter pylori và vai trò của chúng trong bệnh viêm loét hệ tiêu hoá (chứng viêm dạ dày, loét dạ dày hoặc tá tràng).
Barry Marshall (trái) và Robin Warren. Chưa kể hai nhà khoa học này, cho tới nay đã có 182 nhà khoa học đã đoạt Giải Nobel Y học/Tâm lý học |
Hợp tác cùng khám phá
TS Robin Warren (sinh năm 1937) là nhà nghiên cứu bệnh học ở Perth, Australia. Ông đã quan sát những vi khuẩn nhỏ, có hình xoắn, sống ở phần dưới dạ dày của khoảng 50% bệnh nhân được lấy mẫu sinh thiết. Từ đó, ông phát hiện dấu hiệu viêm nhiễm luôn luôn xuất hiện ở niêm mạc dạ dày, gần nơi có vi khuẩn sinh sống.
Còn GS Barry Marshall (sinh năm 1951) thuộc ĐH Tây Australia, bắt đầu quan tâm tới những khám phá của Warren khi còn trẻ. Hai nhà khoa học này đã cùng nhau tiến hành nghiên cứu mẫu sinh thiết của 100 bệnh nhân. Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, Marshall đã nhân nuôi thành công một loài vi khuẩn mà hồi đó giới khoa học chưa biết tên (sau này được gọi là Helicobacter pylori) từ nhiều mẫu sinh thiết nói trên. Cùng với nhau, hai nhà khoa học đã phát hiện sinh vật mới tồn tại ở hầu hết những bệnh nhân bị viêm dạ dày, loét tá tràng và loét dạ dày. Từ những kết quả thu được, họ đề xuất đưa khuẩn Helicobacter pylori vào nguyên nhân gây ra những căn bệnh này.
Mặc dù chứng viêm loét hệ tiêu hoá có thể được chữa khỏi bằng cách ngăn chặn quá trình tạo axít trong dạ dày song những chứng bệnh này thường tái phát vì vi khuẩn và hiện tượng viêm dạ dày mạn tính vẫn còn. Trong các nghiên cứu điều trị, Marshall và Warren cũng như những nhà khoa học khác đã chỉ ra rằng có thể chữa khỏi cho bệnh nhân khỏi những căn bệnh này chỉ khi vi khuẩn Helicobacter pylori trong dạ dày bị loại trừ hoàn toàn. Nhờ những khám phá tiên phong của hai nhà khoa học này mà bệnh viêm loét hệ tiêu hoá không còn là chứng bệnh mạn tính, mà là một căn bệnh có thể chữa khỏi bằng một đợt điều trị ngắn bằng kháng sinh và chất ức chế dạ dày tiết axít.
Vào năm 1982, khi Marshall và Warren khám phá ra vi khuẩn này, stress và lối sống được coi là những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm loét hệ tiêu hoá. Giờ thì giới khoa học khẳng định chắc chắn rằng khuẩn Helicobacter pylori gây ra hơn 90% tổng số ca loét tá tràng và 80% số ca loét dạ dày. Mối liên hệ giữa nhiễm khuẩn Helicobacter pylori và bệnh viêm loét hệ tiêu hoá sau đó đã được chứng minh thông qua nhiều nghiên cứu trên những người tình nguyện, các nghiên cứu điều trị bằng kháng sinh cũng như nghiên cứu dịch tễ học.
Khuẩn Helicobacter pylori
Khuẩn Helicobacter pylori (ảnh xanh) sống ở đáy dạ dày (trái) |
Khuẩn Helicobacter pylori có hình xoắn ốc, sinh sống trong dạ dày của khoảng 50% dân số trên thế giới và chỉ hiện diện ở người, thích ứng với môi trường dạ dày. Bản thân vi khuẩn này cực kỳ linh hoạt và các giống vi khuẩn khác nhau ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như khả năng bám vào niêm mạc dạ dày và khả năng gây viêm nhiễm. Ngay cả ở một bệnh nhân thì mọi vi khuẩn helicobacter pylori cũng không giống hệt nhau. Ngoài ra, sự khác biệt về di truyền giữa các cá nhân có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
Tại các nước có tiêu chuẩn kinh tế-xã hội cao, tình trạng nhiễm loại khuẩn này ít phổ biến hơn nhiều so với ở các nước đang phát triển nơi hầu như mọi người có thể bị nhiễm. Mọi người thường nhiễm khuẩn khi còn nhỏ, thường từ mẹ sang con và vi khuẩn này có thể tồn tại trong dạ dày trong suốt phần đời còn lại của người bị nhiễm. Nhiễm khuẩn mạn tính bắt đầu ở phần dưới của dạ dày (phần dạ dày nối với môn vị), dần dần làm gia tăng mức axít được tiết ra ở vùng dạ dày khoẻ mạnh phía trên, dẫn tới loét.
Ở hầu hết các cá nhân, nhiễm khuẩn Helicobacter pylori thường không gây triệu chứng. Tuy vậy, chừng 10-15% người nhiễm khuẩn sẽ phát triển thành bệnh viêm loét hệ tiêu hoá. Loét tá tràng thường phổ biến hơn loét dạ dày. Biến chứng nghiêm trọng thường là chảy máu và thủng hệ tiêu hoá. Ở một số người, nhiễm khuẩn xảy ra ở phần trên của dạ dày, dẫn tới ung thư dạ dày. Mặc dù ung thư dạ dày đã giảm ở nhiều nước trong 50 năm qua song vẫn xếp hàng thứ hai về số ca tử vong do ung thư.
Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm sinh thiết mô (lấy mẫu sinh thiết trong khi nội soi) hoặc xét nghiệm bằng hơi thở thông qua nhận diện một loại enzym do vi khuẩn tạo ra trong dạ dày. Khám phá của hai nhà khoa học Australia làm tăng hiểu biết về mối liên hệ giữa nhiễm khuẩn mạn tính, viêm nhiễm và ung thư.
Alfred Bernhard Nobel
Alfred Nobel sinh ngày 21/10/1833 tại Stockholm, Thuỵ Điển, trong một gia đình có nhiều thành viên làm kỹ sư. Khi lên 9 tuổi, ông theo gia đình tới Nga. Tại đó, ông và anh em trai được các gia sư dạy những bài học đầu tiên về lòng nhân đạo và khoa học tự nhiên. Khi còn trẻ, ông đi nhiều nơi và thông thạo 5 ngôn ngữ. Nobel quan tâm tới văn học. Ông đã viết một số tiểu thuyết, thơ và kịch vào thời gian rỗi. Vào năm 1960, ông bắt đầu tiến hành các thí nghiệm với nitroglycerin trong nhà máy của cha đẻ, Immanuel Nobel.
Alfred Nobel và huy chương Nobel Y học/Tâm lý học |
Nobel phát đã thử nhiều cách để ổn định loại vật liệu không ổn định này. Cuối cùng ông phát hiện trộn nitroglycerin với một loại bột mịn, xốp có tên kieselguhr là hiệu quả nhất. Ông đặt tên cho hỗn hợp trên là dynamite và nhận được bằng sáng chế vào năm 1867. Nobel xây dựng nhà máy khắp thế giới để sản xuất dynamite và các loại thuốc nổ khác. Các công ty xây dựng và khai thác mỏ cũng như quân đội cần rất nhiều loại thuốc nổ tương đối an toàn này. Dynamite đã mang lại cho Nobel nhiều tiền. Những nghiên cứu khác của ông đã cung cấp thông tin giá trị về sự phát triển của cao su nhân tạo, da, tơ và đá quý.
Vào ngày 27/11/1895, Nobel ký di chúc cuối cùng tại Câu lạc bộ Thuỵ Điển-Na Uy ở Paris, Pháp. Ông qua đời do mắc bệnh xuất huyết não tại nhà riêng ở San Remo, Italia vào ngày 10/12/1896. Ông để lại một khoản tiền 9 triệu USD trong di chúc. Lãi suất của nó sẽ được sử dụng làm phần thưởng cho những người mà nghiên cứu của họ có lợi nhất cho nhân loại.
Hiệp hội Nobel được thành lập vào năm 1900 theo di chúc của Alfred Nobel. Đó là một tổ chức tư nhân quản lý các tài sản mà Nobel di chúc lại làm phần thưởng cho những cá nhân đoạt giải Nobel hoá học, vật lý, tâm lý học hoặc y học, văn học và hoà bình.
Tiến trình lựa chọn
Việc lựa chọn người giành giải tưởng bắt đầu vào đầu mùa thu của năm trước khi các tổ chức trao giải mời hơn 6.000 người khắp thế giới đề cử cá nhân xứng đáng nhận các giải Nobel. Có khoảng 1.000 người đề cử cho mỗi giải thưởng. Họ là những người đã từng nhận giải Nobel, thành viên của chính tổ chức trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực vật lý, hoá học, tâm lý học hoặc y học, các quan chức và thành viên của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu. Người được mời phải đề cử bằng văn bản, nêu rõ lý do lựa chọn. Các cá nhân không thể tự đề cử (trái ngược hoàn toàn với giải Ig Nobel).
Văn bản đề cử phải được trình lên các uỷ ban Nobel trước ngày 31/1 của năm trao giải. Uỷ ban Nobel do 4 tổ chức trao giải lập ra. Thường có khoảng 100-250 người được đề cử cho mỗi giải. Vào ngày 1/2, 6 Uỷ ban Nobel - mỗi uỷ ban quyết định một loại giải thưởng - bắt đầu xem xét các văn bản đề cử mà họ nhận được. Có hàng nghìn người, chủ yếu là chuyên gia bên ngoài, tham gia cùng với các uỷ ban để quyết định tính sáng tạo và tầm quan trọng liên quan tới đóng góp của người được đề cử.
Vào tháng 9 và đầu tháng 10, các uỷ ban Nobel sẵn sàng đệ trình ý kiến lựa chọn của họ lên Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển và các tổ chức trao thưởng khác. Không phải lúc nào các tổ chức trao thưởng cũng làm theo sự tiến cử của uỷ ban. Các phiên họp và bỏ phiếu trong các tổ chức trao giải được giữ bí mật ở mọi khâu. Chỉ có kết quả được thông báo công khai. Quyết định cuối cùng của các tổ chức phải được đưa ra trước ngày 15/11 và không thể thay đổi. Giải thưởng chỉ được trao cho các cá nhân, ngoại trừ giải Nobel Hoà Bình. Nobel Hoà bình có thể được trao cho một tổ chức.
Theo điều lệ của Hiệp hội Nobel, thông tin đề cử sẽ không được tiết lộ, dù là công khai hoặc bí mật, trong thời gian 50 năm. Không thể đề cử một cá nhân sau khi người đó đã chết. Kể từ năm 1974, giải thưởng Nobel chỉ có thể được trao cho một người đã chết trong trường hợp cá nhân đó đã được chọn là người nhận giải của năm vào thời điểm còn sống song qua đời trước lễ trao giải vào ngày 10/12. Sự ủng hộ chính thức, dù là ngoại giao hay chính trị, cho một người nào đó không có tác động tới tiến trình lựa chọn bởi các tổ chức trao giải độc lập với nhà nước.
Giải thưởng
Mỗi giải thưởng bao gồm một huy chương vàng, một bằng khen và một khoản tiền. Số tiền phụ thuộc vào thu nhập của Hiệp hội Nobel. Ban đầu, hơn ba người có thể cùng nhận một giải Nobel mặc dầu điều này chưa bao giờ xảy ra. Điều lệ của Tổ chức Nobel được sửa đổi vào năm 1968, hạn chế chỉ có 3 người đồng nhận một giải thưởng. Trong trường hợp đó, mỗi người có thể nhận 1/3 khoản tiền hoặc 2 người có thể chia nhau 50% số tiền thưởng trong khi người thứ ba nhận 50% còn lại. Thỉnh thoảng một giải Nobel bị giữ lại cho tới năm sau. Nếu chưa được trao, số tiền thưởng sẽ được trả lại quỹ. Do vậy, hai giải thưởng cùng loại (chẳng hạn 2 giải vật lý) có thể được trao trong một năm.
Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận trước một thời điểm nhất định, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ. Trong quá khứ, đã có trường hợp người giành giải từ chối nhận phần thưởng và chính phủ cấm công dân nước họ nhận thưởng. Khi đó, bên cạnh tên của người nhận giải trong danh sách những người giành giải Nobel sẽ có dòng chữ ''từ chối nhận giải''.
Động cơ dẫn tới hành động từ chối nhận giải Nobel có thể khác nhau song lý do thực sự chủ yếu là áp lực bên ngoài. Chẳng hạn vào năm 1937, Adolf Hitler cấm người Đức nhận giải Nobel trong tương lai bởi ông ta tức giận khi Giải Nobel Hoà bình 1935 được trao cho nhà báo chống phát xít Carl von Ossietzky. Vào thời điểm đó, Carl von Ossietzky là tù chính trị tại Đức. Trong một số trường hợp, người từ chối giải thích và chỉ nhận huy chương vàng cùng với bằng khen. Giải Nobel vật lý, hoá học, tâm lý học hoặc y học ít gây tranh cãi nhất. Do bản chất, Nobel văn học và hoà bình gây tranh cãi nhiều nhất. Cho tới nay, giải Nobel không được trao vào năm 1940, 1941 và 1942. Giải Nobel văn học không được trao vào năm 1914, 1918 và 1943.
Minh Sơn (Tổng hợp)