Các nhà khoa học Anh xây dựng bản đồ thời tiết đầu tiên của một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời có sức gió lên đến 8.690km/h.
Hành tinh có vận tốc gió trong khí quyển lên đến 8690km/h
Hành tinh mang tên HD 189733b, nằm trong chòm sao Vulpecula cách Trái Đất 63 năm ánh sáng. Nhờ kết hợp giữa quang phổ học và hiệu ứng Doppler, các nhà khoa học có thể đo vận tốc gió trong khí quyển của hành tinh này.
"Trước đó chúng tôi đã biết về những cơn gió ở các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, nhưng chúng tôi chưa bao giờ trực tiếp đo và vẽ bản đồ hệ thống thời tiết", UPI dẫn lời Tom Louden, nhà vật lý thiên văn đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Warwick.
Những cơn gió trên hành tinh HD 189733b có vận tốc lên đến 8.690km/h. (Ảnh: Mark A. Garlick/Đại học Warwick).
Sử dụng kính thiên văn mang tên High Accuracy Radial Velocity Planet Searcher ở La Silla, Chile, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu chi tiết khí quyển của hành tinh bằng cách đánh dấu sự hấp thụ nguyên tử natri của bức xạ tỏa ra từ ngôi sao mẹ.
Sau khi phân tích thay đổi quang phổ khi hành tinh di chuyển ngang qua bề mặt ngôi sao mẹ, nhóm nghiên cứu có thể tìm ra những dấu hiệu của hiệu ứng Doppler và xác định vận tốc gió ở cả hai mặt của hành tinh.
Bản đồ thời tiết của HD 189733b chỉ ra những cơn gió rất mạnh thổi từ mặt ban ngày sang mặt ban đêm của nó. Nghiên cứu trước đây cho thấy hành tinh này chịu ảnh hưởng của khóa thủy triều. Mặt ban ngày có màu xanh do ánh sáng phân tán từ sương mù chứa silicat trong khí quyển trong khi nhiệt độ cao của hành tinh khiến mặt ban đêm phát sáng màu đỏ.
Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện trên Tạp chí Vật lý thiên văn hôm 11/11. Kết quả nghiên cứu có thể giúp các nhà thiên văn tìm hiểu khí quyển của những hành tinh lân cận và định vị những hành tinh giống Trái Đất ở ngoài hệ Mặt Trời.