Đây là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với hai loài thường gặp là đồi mồi và trang đông. Ở đây có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến bốn bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm.
Câu hỏi
1. Địa phương nào mang tên một người phụ nữ?
A. Thành phố Bà Rịa
B. Thành phố Hải Phòng
C. Thành phố Huế
2. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất Việt Nam?
A. Đúng
B. Sai
3. Tỉnh lỵ của Bà Rịa - Vũng Tàu hiện là thành phố nào?
A. Bà Rịa
B. Vũng Tàu
4. Huyện Côn Đảo là một hòn đảo hay quần đảo?
A. Hòn đảo
B. Quần đảo
5. Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có khoảng bao nhiêu hécta rừng ngập mặn?
A. 30
B. 31
B. 51
6. Hiện nay, Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam? Điều này đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
Rùa biển.
7. Bãi biển nổi tiếng Long Hải ở huyện nào của Bà Rịa - Vũng Tàu?
A. Châu Đức
B. Xuyên Mộc
C. Long Điền
8. Côn Đảo từng thuộc địa phương nào?
A. Bà Rịa - Vũng Tàu
B. Kiên Giang, Hậu Giang
C. Cả 2 đáp án trên
Đáp án
1. Câu trả lời đúng là đáp án A: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hai thành phố là Vũng Tàu và Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ được thành lập tháng 4/2018 trên cơ sở huyện Tân Thành và năm huyện gồm: Châu Đức, Côn Đảo, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc. Theo quyển "Monographie de Baria" của một tác giả người Pháp viết năm 1902, địa danh Bà Rịa xuất phát từ tên của một người phụ nữ là Nguyễn Thị Rịa. Đây là người đã có công khai phá đất hoang, lập làng Phước Liêu vào năm 1789. Theo cổng thông tin điện tử thành phố Bà Rịa, vùng này xưa còn được gọi là vùng Mô Xoài hay Muỗi Xụy, là nơi tiếp nhận những người Việt đầu tiên từ miền Trung vào khai phá vùng đất Nam Bộ. Truyền thuyết dân gian kể rằng: "Vào khoảng thế kỷ XVIII, bà Nguyễn Thị Rịa từ Phú Yên - Bình Định vào khai phá vùng đất này. Bà đã bỏ tiền thuê người vào khai hoang, lập làng mạc, mở nhiều nông trại. Bà đối xử rất tốt với những người mới đến định cư và khai hoang nên được yêu mến. Năm 1803, bà Rịa mất. Vì không có con nên tài sản của bà được để lại cho người dân vùng Tam Phước. Người dân nhớ ơn bà nên đã lập miếu thờ bà và đặt tên cho vùng đất này là Bà Rịa". Hiện nay, ngôi mộ của bà vẫn còn ở ngọn núi Tam Phước (hay còn gọi là núi Cố).
2. Câu trả lời đúng là đáp án A: Dầu mỏ và khí đốt của Bà Rịa - Vũng Tàu phân bố chủ yếu ở bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. Bể Cửu Long có các mỏ lớn Bạch Hổ, Rồng, Hồng Ngọc, Rạng Đông. Bể Nam Côn Sơn có các mỏ Đại Hùng, Lan Tây, Lan Đỏ, Thanh Long, Mộc Tinh, Rồng Bay. Xuất khẩu dầu đóng góp một phần quan trọng trong GDP của Bà Rịa -Vũng Tàu. Ngoài ra, địa phương này có thế mạnh về cảng biển, khu công nghiệp, du lịch và giao thông vận tải.
3. Câu trả lời đúng là đáp án A: Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 1,1 triệu dân với tám đơn vị hành chính cấp huyện: TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Côn Đảo. Theo Cổng thông tin Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh có lịch sử hình thành từ thế kỷ 17, ban đầu có tên gọi Bà Rịa. Người xưa giải thích, vùng đất này trước đây có người phụ nữ tên là Rịa, quê ở Bình Định vào khai hoang lập nghiệp. Để ghi nhớ công ơn này, người dân địa lấy tên bà đặt cho vùng đất. Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển, thuộc khu vực Đông Nam Bộ, rộng 1.989 km2. Theo Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều loại khoáng sản, đáng kể nhất là dầu mỏ, khí thiên nhiên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong tổng trữ lượng dầu khí đã xác minh năm 2.000, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có 400 triệu m3 dầu, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước; dầu khí trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước. Tỉnh trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách về tổ chức hành chính. Năm 1979, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị xã Vũng Tàu (khi đó thuộc tỉnh Đồng Nai); xã Long Sơn, huyện Châu Thành, Đồng Nai; huyện Côn Đảo, Hậu Giang. Năm 1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập từ ba huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc (Đồng Nai) và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. TP Vũng Tàu được thành lập và trở thành tỉnh lỵ của tỉnh này. Năm 2012, tỉnh lỵ Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đến TP Bà Rịa khi thành phố này vừa được thành lập. Đây là địa phương duy nhất có tỉnh lỵ không phải là đô thị lớn nhất tỉnh.
4. Câu trả lời đúng là đáp án B: Huyện Côn Đảo là một quần đảo, gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km2. Trung tâm huyện cách TP Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Huyện Côn Đảo có tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, khai thác chế biến hải sản, phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Bờ biển dài 200 km, có nhiều bãi tắm đẹp như Đất Dốc, Bãi Cạnh, Đầm Trầu, Hòn Cau, Hòn Tre. Hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này là Côn Lôn hay Côn Đảo, rộng hơn 51 km2. Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi nơi này là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Theo tài liệu cổ, địa danh này có nguồn gốc Mã Lai từ chữ "Pulau Kundur" nghĩa là "Hòn Bí". Năm 1977, Quốc hội quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. Trước đây, Côn Đảo là nơi có hệ thống nhà tù Pháp, Mỹ với nhiều trại giam lớn như Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, chuồng cọp, chuồng bò cùng khu nhà chúa Đảo. Côn Đảo còn có khu nghĩa trang Hàng Dương, nơi chôn cất 20.000 tù nhân, chủ yếu là chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến.
5. Câu trả lời đúng là đáp án B: Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo hiện có khoảng 31 ha rừng ngập mặn và nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước. Mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)... Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia về bảo tồn thiên nhiên biển ở Việt Nam. Hệ động thực vật đặc trưng của vườn quốc gia Côn Đảo là các loại sinh vật biển, trong đó đặc sắc nhất là hệ san hô và đặc biệt là loài rùa biển. Thành phần thực vật Côn Đảo tương đối phong phú và đa dạng với khoảng 882 loài thực vật bậc cao thuộc 562 chi, 161 họ, trong đó có đến 371 loài thân gỗ, 30 loài phong lan, 103 loài dây leo, 202 loài thảo mộc v.v. 44 loài thực vật được các nhà khoa học tìm thấy lần đầu tiên ở đây, 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt tên loài. Một số loài được xếp vào danh mục quý hiếm như lát hoa (Chukrasia tabularis), găng néo (Manikara hexandra) v.v. Hệ động vật rừng Côn Đảo đến nay đã ghi nhận được 144 loài, trong đó lớp Thú chiếm 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Một số động vật đặc hữu tại Côn Đảo như: sóc mun (Callosciunis finlaysonii), sóc đen (Ratufa bicolor condorensis), chuột hữu Côn Đảo (Rattus niviventer condorensis, Chasen & Kloss, 1926), thạch sùng Côn Đảo (Cyrstodactylus condorensis). Côn Đảo là vườn quốc gia có hệ động vật có xương sống trên cạn mang tính độc đáo của vùng đảo xa đất liền với nhiều loài đặc hữu. Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, trong đó thực vật ngập mặn có đến 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài...37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như thủy sản, rong biển. Các loài thú biển quý hiếm như: cá voi xanh (Neophon phocaenoides), cá nược (Orcaella brevirostric), cá cúi (Dugon dugong). Đặc biệt Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển.
6. Câu trả lời đúng là đáp án A: Đúng. Hiện nay, Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với hai loài thường gặp là đồi mồi và trang đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến bốn bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm. Côn Đảo cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại một quần thể bò biển (Dugong dugong) có cuộc sống không tách rời các thảm cỏ biển. Vườn quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là một trong 2.203 khu đất ngập nước quan trọng quốc tế (gọi tắt là khu Ramsar) và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới. Côn Đảo là giao điểm và được ví như một mái ấm hội tụ rất nhiều sinh vật biển từ cả phía Bắc, phía Nam biển Đông đến sinh sôi. Đây còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học (bảo tồn các hệ sinh thái; bảo tồn loài; bảo tồn nguồn gien); có chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường (ổn định bờ biển; chống nước biển dâng; kiểm soát lũ; bảo vệ, điều tiết nguồn nước…); bảo tồn cảnh quan, văn hóa, lịch sử; là khu vực hấp dẫn để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái.
7. Câu trả lời đúng là đáp án C: Huyện Long Điền có tiềm năng phát triển du với bờ biển dài 14,7 km, nhiều bãi biển đẹp, cát trắng, thoải, biển sóng đều. Trong đó, bãi biển Long Hải thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, cách thành phố Vũng Tàu 30 km về hướng Đông Bắc. Long Hải nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên từ mũi Kỳ Vân nhô ra biển và rừng anh đào. Ngoài du lịch, huyện Long Điền có thế mạnh phát triển ngành đánh bắt và chế biến hải sản. Sản lượng đánh bắt cá của huyện trên dưới 60.000 tấn mỗi năm, đứng đầu Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng cá Phước Tỉnh hiện nay là cảng cá lớn nhất tỉnh, luôn tấp nập tàu thuyền ra vào. Bên cạnh đánh bắt hải sản, cảng phát triển các ngành dịch vụ liên quan như cung ứng xăng dầu, cung cấp nước ngọt, sản xuất nước đá, đóng sửa tàu thuyền, cơ khí sửa chữa.
8. Câu trả lời đúng là đáp án C: Bà Rịa - Vũng Tàu có một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Đây là quần đảo, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý, gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km2. Côn Đảo hay Côn Sơn cũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi nơi này là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Theo tài liệu cổ, tên địa danh này có nguồn gốc Mã Lai từ chữ "Pulau Kundur" nghĩa là "Hòn Bí". Năm 1977, Quốc hội quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. Thời điểm mới được khai phá, Côn Đảo thuộc tỉnh Hà Tiên (nay là Kiên Giang). Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, Côn Đảo là một tỉnh. Ngày 1/5/1975, quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp quản Côn Đảo. Đến tháng 9/1976, tỉnh Côn Đảo bị giải thể, chuyển thành huyện Côn Đảo thuộc TP HCM. Tháng 1/1977, hải đảo này trở thành một huyện thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5/1979, Côn Đảo trở thành quận thuộc đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Địa phương này chính thức là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ tháng 10/1991.