Với những người sợ toán, suy nghĩ về những phép tính đơn giản có thể gây nên cảm giác đau đớn trong đầu.
Giáo sư Sian Beilock và tiến sĩ Ian Lyons, hai chuyên gia tâm lý của Đại học Chicago tại Mỹ, thực hiện một thử nghiệm để tìm hiểu tác động của các phép tính đối với những người sợ môn toán. Họ tuyển 28 người trưởng thành, bao gồm 14 người sợ môn toán và 14 người không sợ toán, tham gia thử nghiệm.
Hai nhà nghiên cứu yêu cầu nhóm tình nguyện viên kiểm tra mức độ chính xác của những phép tính trên màn hình máy tính, chẳng hạn như (12 x 4) – 19 = 29. Nhóm tình nguyện viên cũng thấy hàng loạt chữ (như yrestym) và phải quyết định việc đảo ngược vị trí các chữ có thể tạo ra một từ có nghĩa hay không. Cứ mỗi khi kiểm tra một phép tính hay một từ, máy tính sẽ hiển thị một vòng tròn màu vàng hoặc hình vuông màu xanh. Nếu vòng tròn màu vàng hiện ra, nhóm người hiểu rằng phép tính sắp xuất hiện. Ngược lại, từ bị xáo trộn sẽ hiện ra nếu hình vuông màu xanh xuất hiện. Beilock và Lyons theo dõi não của họ bằng máy chụp cộng hưởng từ, Popular Science đưa tin.
Nhiều học sinh có thể trở thành nhà khoa học trong tương
lai nếu các em vượt qua nỗi sợ hãi đối với môn toán.
Kết quả cho thấy hoạt động của posterior insula - tên vùng xử lý cảm giác đau đớn - trong não những người sợ toán tăng mạnh mỗi khi họ thấy vòng tròn màu vàng. Nhưng trong quá trình họ kiểm tra các phép tính thì vùng não ấy lại trở về trạng thái bình thường.
"Điều đó chứng tỏ cảm giác sợ toán là thủ phạm gây cảm giác đau, chứ không phải các phép tính", Lyons lập luận.
Thử nghiệm cũng cho thấy những người sợ toán thường cảm thấy đau trước khi họ thực hiện các phép tính hoặc giải toán. Đây là một hiện tượng tâm lý mà giới khoa học nên tìm cách giải quyết để giúp những người sợ toán có thể học môn này tốt hơn.
"Nghiên cứu của chúng tôi giúp giới tâm lý hiểu lý do khiến những người sợ toán luôn tìm cách lẩn tránh những phép tính. Bản năng thúc giục họ lẩn tránh môn toán, những buổi học toán và cả những công việc liên quan tới con số. Tôi thường nói với các nhà vật lý rằng lẽ ra tôi có thể trở thành đồng nghiệp của họ nếu cảm giác sợ toán không xâm chiếm tâm trí tôi từ hồi tôi còn là học sinh trung học. Giờ đây tôi vẫn luôn cảm thấy xấu hổ với cảm giác ấy", Beilock phát biểu.