Nóng từ các nhà xưởng robocon

Còn không đầy một tuần nữa, cuộc bốc thăm vòng loại Robocon 2007 khu vực phía Nam sẽ bắt đầu. Từ các nhà xưởng ở nhà đến sân trường, không khí robocon tràn ngập, bất kể ban ngày hay đêm khuya...

Chạy nước rút

Từ ngoài mảnh sân rộng vào đến tận phòng khách của nhà Trần Quốc Vinh, SV Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (TP.HCM), bề bộn các thiết bị: bình sạc ăcqui, động cơ, các loại thanh nhôm, khoan... Các SV gọi đây là nhà xưởng robocon từ khi nhóm chín người học chung khoa bắt tay nhau “thề” chơi đến cùng với robot.

Hiện đang là giai đoạn cuối của cuộc đua tranh: đã xong vòng đấu tại các trường, “những con ngựa chiến” nhất đã được chọn lựa để xung trận từ cuối tháng tư trong vòng loại khu vực phía Nam. Hầu khắp các nhà xưởng, sân trường, câu mà những SV-robocon đang nói nhiều nhất là “có động cơ chưa?”. Họ đang chạy nước rút để thử nghiệm các động cơ cho robot.

Chúng tôi gặp nhóm SV-robocon khác tại phòng tập robocon ở Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ. Trần Văn Minh cho biết cả đội tề tựu về đây sau giờ học từ 6 giờ chiều đến 9-10 giờ tối thì về Kha Vạn Cân, Thủ Đức mượn nhà trọ của một người bạn làm xưởng. Trong tuần lễ cuối cùng trước khi vào “cuộc chiến” này, cả nhóm đang xin phép nhà trường cho ngủ lại luôn tại sân tập để hoàn tất robot.


Nhóm Hutech 03, ĐH Kỹ thuật công nghệ, tại “xưởng robocon” nhà SV Vinh
trên đường Lê Quang Định, Bình Thạnh, TP.HCM (Ảnh: Đặng Tươi)

Theo thạc sĩ Huỳnh Văn Kiểm, người dẫn dắt đội quân ĐH Bách khoa TP.HCM vô địch Robocon nhiều năm qua, nói: “Cái độc chiêu của robot là cứ làm hoài, làm hoài mà không bao giờ thấy xong cả”. Quả vậy, vẫn thường nghe từ các đội trước khi thi đấu hai ngày, thậm chí một ngày, cả nhóm trầy trật tháo tung robot làm lại theo một chiến thuật mới.

Học từ thất bại

Phần lớn các đội chuẩn bị vào vòng loại Robocon phía Nam đều là những đội “có máu mặt”, dạn dày đấu trường Robocon.

Nhóm của Tiến, Vinh, đội Hutech03, ĐH Kỹ thuật công nghệ đã ba mùa đến với Robocon. Mùa đầu tiên là “lính nhì” cho đàn anh để học kinh nghiệm. Năm ngoái Tiến lập nhóm, đoạt giải nhì trường, suýt vào vòng loại khu vực phía Nam. Sau trận thua đau đó, cả nhóm ngồi lại rút kinh nghiệm: phải chuyên nghiệp hóa công việc cũng như định rõ mục tiêu. Mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ chính, như Minh phay tiện; Vinh thiết kế cơ khí kiêm thủ quĩ; Tiến lập trình...

Một kinh nghiệm nữa là phải biết sắp xếp thời gian để hoàn thiện công việc trước một tuần, nghỉ ngơi thoải mái trước khi vào thi đấu. Kinh nghiệm của đội KCN theo Trần Văn Minh là phải chú trọng tính dò đường ổn định, nguồn cung cấp năng lượng đầy. Chính vì vậy năm nay KCN sẽ dự trữ sẵn một nguồn năng lượng để tránh thua trận vì lý do này như năm trước. Theo SV Trần Đức Hưng, ĐH Bách khoa TP.HCM, tinh thần đồng đội cũng là yếu tố quan trọng.

Tại sân tập ĐH Bách khoa TP.HCM, thành viên các đội đang “nhào” vô lát lại sân, dán các đường vạch. Sân tập này nhà trường đã đầu tư 65 triệu đồng từ năm Robocon đầu tiên (2002), mỗi năm một nâng cấp thêm, như năm nay kinh phí đổ vào sân là 40 triệu đồng.

ĐẶNG TƯƠI

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video