Thuốc từ các loại quả dại

  •  
  • 1.059

Quả me rừng

Một phần không nhỏ các loại quả hoang dại đã góp phần đáng kể vào việc phòng chống bệnh tật, chẳng hạn quả dành dành núi, quả bần, quả vả, quả me rừng... Trong đó, nhiều loại đã trở thành hàng xuất khẩu, những dược liệu quý cho hoạt chất tác dụng cao.


Quả dành dành núi (Gardenia stenophylla Merr.)

Thuộc họ cà phê (Rubiaceae), có tên khác là thủy hoàng chi, thường gặp ở miền núi chỗ ẩm mát và có bóng râm như ven suối, bờ hồ lớn. Quả được thu hái vào tháng 7-9, lúc chín già, ngắt bỏ cuống, phơi hay sấy nhẹ đến khô. Có tài liệu còn nêu quả phải nhúng nước sôi hoặc đem đồ rồi mới phơi, sấy khô. Dược liệu này có tên thuốc là sơn chi tử, khi dùng để sống, sao vàng hoặc sao đen.

Chữa hoàng đản, viêm gan virus, viêm niêm mạc miệng: Sơn chi tử 12 g, nhân trần 16 g, đại hoàng 8 g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa tinh hoàn sưng đau: Sơn chi tử (sao đen), tiểu hồi (sao với muối), hạt vải, hạt quýt (sao với giấm) mỗi thứ 30 g; ích trí nhân 20 g; hạt cau rừng 15 g; thanh bì 18 g (sao dầu vừng). Tất cả tán nhỏ, rây bột, mỗi lần uống 6 g với rượu vào lúc đói.

Chữa nôn mửa: Sơn chi tử (sao vàng), trần bì, tinh tre mỗi thứ 10 g; gừng sống 5 g. Sắc uống lúc nóng làm một lần. Dùng ngoài, sơn chi tử và bạch tật lê (lượng bằng nhau), tán nhỏ, hòa với giấm, bôi vào ban đêm, sáng rửa mặt, hôm sau lại bôi tiếp, làm vài ngày. Chữa vết sẹo trên mặt.

Quả bần (Sonneratia caseolaris (L.) Engl.)

Thuộc họ bần (Sonneratiaceae), thường gặp ở vùng đầm lầy ven biển. Quả bần xanh có vị chua là nguyên liệu để chế giấm. Quả chín ngọt và ngậy như pho mát dùng ăn sống hoặc nấu chín. Về mặt thuốc, quả bần có những tác dụng sau:

Giải nhiệt chữa cảm sốt: Quả bần rửa sạch, nhai với muối, rồi nuốt nước.

Cầm máu, nhất là chảy máu cam: Quả bần rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương, máu sẽ cầm ngay. Tác dụng này chính là do chất pectin chứa trong dịch quả.

Tiêu viêm chữa tụ máu, sưng tấy: Quả bần giã nhỏ, ép lấy dịch, cô thành cao mềm. Lúc cao còn nóng, phết lên giấy, khi dùng, hơ thuốc cho mềm rồi đắp vào chỗ đau. Ngày làm một lần.

Quả kim anh (Rosa laevigata Michx)

Thuộc họ hoa hồng (Rosaceae), là một dược liệu đặc sản của Cao Bằng và Lạng Sơn. Quả thu hái lúc sắp chín (tháng 9-11) cho vào túi vải, xóc mạnh và chà xát cho rụng hết lông gai, rồi bổ đôi, nạo sạch hạt và lông mềm ở trong quả, phơi hoặc sấy khô. Dược liệu rất cứng, màu đỏ nâu bóng, được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là thích lê tử, đường quán tử. Đây là vị thuốc bổ thận chữa di mộng tinh, suy nhược thần kinh, đái són. Ngày dùng 6-12 g dưới dạng thuốc cao hoặc thuốc bột. Cao kim anh phối hợp với mật ong với tỷ lệ 10% cao và 90% mật, dùng rất tốt, nhất là người cao tuổi. Có thể dùng bài thuốc có kim anh 500 g, ba kích 250 g, tua sen 50 g. Kim anh và ba kích thái mỏng, sao vàng, tán nhỏ, cho vào túi vải cùng với tua sen rồi nấu với 3 lít nước trong 8 giờ. Khi còn chừng 1 lít, đem lọc kỹ, cho đường (1 kg) vào, cô đặc còn 1 lít là được. Để nguội, thêm vài giọt tinh dầu cam cho thơm. Ngày uống hai lần, mỗi lần một thìa canh.

Chú ý: Hạt kim anh có chất độc. Không được để sót hạt khi chế biến.

Quả vả (Ficus roocburghii Wall)

Thuộc họ dâu tằm (Moraceae), thường thấy ở dưới tán rừng bên bờ các khe suối. Quả chứa chất keo thơm, vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ, mạnh dạ dày, chống viêm, giải độc, tiêu đờm, lợi sữa, được dùng trong những trường hợp sau:

Chữa suy nhược, kém ăn, gầy yếu: Quả vả vừa chín tới, phơi hoặc sấy khô 500 g, cắt nhỏ, ngâm với một lít rượu trắng trong 10-20 ngày. Ngày uống 3 lần, mỗi lần một chén nhỏ.

Chữa họng sưng đau: Quả vả non 100 g, lá chó đẻ 50 g, búp tre 30 g. Tất cả còn tươi, rửa sạch, giã nát với 1 g băng phiến, sao nóng, đắp vào chỗ đau, băng lại. Ngày làm hai lần.

Chữa cảm, ngộ độc: Quả vả 200 g, quả sung 200 g, lá móc mèo 20 g, rễ canh châu 50 g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.

Thuốc tăng tiết sữa: Quả vả khô đem sấy giòn, tán bột. Ngày uống hai lần, mỗi lần 12 g với nước đun sôi để nguội vào lúc đói. Dùng 3-5 ngày.

Quả me rừng (Phyllanthus emblica L.)


Thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae), tên khác là chùm ruột núi, mận rừng, dư cam tử, mác kham (Tày), diều cam (Dao), xì xa liên (K’Ho), mọc hoang trên đồi trọc, rừng thưa miền núi.

Thịt quả me rừng ăn giòn, lúc đầu có vị chua chát, sau ngọt dần, nếu nhấp ít nước vị càng ngọt hơn, có tác dụng làm dịu nhanh cơn khát khi đi rừng. Quả me rừng tươi có hàm lượng vitamin C rất cao (600-1.000 mg%). Chỉ cần ăn mỗi ngày 1-2 quả cũng đủ cung cấp lượng vitamin C cần thiết, chống bệnh chảy máu chân răng. Quả me rừng ướp muối, rồi phơi khô làm ô mai ngậm chữa ho, viêm họng, nôn mửa. Quả phơi khô (10-20 g) giã nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống có tác dụng giải cảm, tiêu viêm, sinh tân dịch. Dùng ngoài, quả me rừng tươi giã nát, lấy nước bôi chữa nước ăn chân.

DS Đỗ Huy Bích, Sức Khỏe & Đời Sống

  • 1.059