Khoa học từ lâu đã biết một số loài có khả năng định hướng bằng cách cảm nhận từ trường Trái đất. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng làm được còn con người phải cần đến la bàn. Một nghiên cứu mới đây đã hé lộ bí mật này.
Giun cảm nhận được từ trường
Động vật có khả năng cảm nhận từ trường Trái đất gần gũi với con người nhất có lẽ là bồ câu. Nhờ khả năng đó, loài chim này có thể tự tìm đường về tổ dù có đi xa đến hàng trăm km.
Hình minh họa từ trường Trái đất - (Ảnh: internet)
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas ở thành phố Austin, bang Texas (Mỹ) đã quan sát một loài giun nhỏ có tên Caenorhabditis elegans ở nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Họ phát hiện loài giun này có khả năng cảm nhận từ trường, theo trang tin Science World Report (Mỹ).
Sau đó, họ nghiên cứu để tìm ra cơ quan nào giúp con giun có khả năng này. Đây được xem là một trong những điều bí ẩn nhất của ngành động vật học, theo RT.
Họ phát hiện dưới kính hiển vi một cấu trúc gọi là nơron thần kinh AFD. Nó giống như một ăng ten siêu nhỏ có khả năng cảm nhận từ trường cũng như hàm lượng CO2 và nhiệt độ không khí.
Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học đã phá hủy nơron thần kinh AFD. Con giun mất ngay khả năng định hướng. Điều này có thể mang lại một bước đột phá trong ngành sinh học vì có thể những sinh vật sở hữu khả năng cảm nhận từ trường khác cũng có cùng cơ chế như loài giun Caenorhabditis elegans.
‘’Rất có thể những cấu trúc như AFD cũng xuất hiện trên các loài động vật khác như bướm và chim. Khám phá này cho chúng ta những hiểu hơn về khả năng cảm nhận từ trường của động vật", nhà khoa học Jon Pierce-Shimomura, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết.