Nữ nghệ sĩ chụp ảnh khoa học

Với giúp đỡ của bà Felice Frankel, các nhà khoa học đã biến những hình ảnh tẻ ngắt của những thứ như chất lên men (yeast) trong một chiếc đĩa hoặc bề mặt của một chiếc CD, thành những bức ảnh ấn tượng. Theo tiến sĩ George M. Whitesides, nhà hoá học ở Đại học Harvard, "bà ấy đã thay đổi bộ mặt trực quan của khoa học".

Nghệ thuật không phải là những khái niệm thấy được

Khi được gọi là nghệ sĩ, bà Felice Frankel thường nhăn nhó không thích. Trước hết là bởi vì những bức ảnh mà bà chụp không phải để bán. Sau khi nhận một khoản tài trợ từ Viện bảo tàng Guggenheim vào năm 1995, bà bắt đầu đưa các tác phẩm của mình tới gallery, nhưng không ai buồn đến xem. Thứ hai là, các bức ảnh của bà không bao hàm những cảm xúc, hệ tư tưởng hay bất kỳ một thông điệp nào khác.

Bà nói: "Chất liệu của tôi chính là các hiện tượng tự nhiên như: từ trường, hoạt động của các phân tử nước, hay sự sinh trưởng của các khối vi khuẩn. Tôi không gọi đó là nghệ thuật. Vì nếu nó là nghệ thuật, thì nó phải nói nhiều hơn về người sáng tạo ra tác phẩm đó, chứ không đơn thuần là những khái niệm thấy được trong các hình ảnh".

Felice Frankel trong phòng làm việc ở Học viện MIT (Ảnh: Nytimes)

Là một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu khoa học ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), và hiện là một chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Học viện đổi mới điện toán tại Đại học Harvard, bà giúp đỡ các nhà nghiên cứu sử dụng máy ảnh, kính hiển vi và một số dụng cụ khác để hiển thị vẻ đẹp của khoa học. Một trong số những bức ảnh của bà, hình ảnh sống động của một chất lỏng có nhiều sắt biến đổi dưới tác động của nam châm, đã được phổ biến rộng rãi đến mức bà cảm thấy "chán ngấy nó".

Để có được bức ảnh đó, bà đã thực hiện một thao tác rất thông thường. Bà trượt qua lại một tờ giấy ghi chú màu vàng bên dưới tấm kính thí nghiệm nơi đặt chất lỏng. Sự di chuyển đó không làm thay đổi các điều kiện thí nghiệm, nhưng nó chụp được hình ảnh của chất lỏng theo một cách thu hút sự tập trung đến nỗi Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (National Science Foundation) đã làm một áp phích quảng cáo bằng bức ảnh đó.


Một mẫu nhân của vi mạch bộ nhớ (memory chip) máy tính chụp qua kính hiển vi (Ảnh: Nytimes)

Ảnh khoa học phải lôi cuốn vì tính nghệ thuật

Bà Frankel đang tổ chức hội nghị trên khắp nước Mỹ với chủ đề Hình ảnh và ý nghĩa, và đang xúc tiến để thành lập một chương trình được tài trợ bởi Quỹ Khoa học quốc gia về việc sử dụng hình ảnh trực quan trong giảng dạy khoa học. Với đồng nghiệp, bà đang thành lập một trang web trực tuyến nơi mà các nhà nghiên cứu có thể trao đổi về những khái niệm họ muốn chuyển tải trong các hình ảnh. Nhưng bà không nghĩ những bức ảnh của bà phải giải thích mọi thứ. "Đối với tôi, điều quan trọng là lôi cuốn mọi người xem các bức ảnh khoa học, thậm chí họ không biết đó là khoa học", bà nói.

Để đạt được mục tiêu này, thỉnh thoảng bà chỉnh sửa các hình ảnh. Ví dụ, khi bà chụp ảnh vi khuẩn phát triển trên thạch trắng (agar), có thể thấy agar đang nứt ra, nhưng bà muốn người đọc chỉ chú ý tới các hình dạng vi khuẩn, vì vậy bà dùng kỹ thuật số xoá hết các vết nứt. Lần khác, bà chụp ảnh loài vi khuẩn màu da cam hình gậy, và thiết bị chụp ảnh không thể tái hiện cái màu da cam mà bà có thể nhìn thấy qua kính hiển vi, thế là bà thêm vào màu sắc đó.


Ảnh chụp minh hoạ cấu trúc của một ống carbon nanotube (Ảnh: Nytimes)

"Xảo thuật này có thể chấp nhận được, bởi vì mục đích của chúng không phải để che giấu hay bóp méo thông tin khoa học, mà làm cho nó rõ hơn", bà nói. Và khi những hình ảnh như vậy xuất hiện trên các tạp chí khoa học, thì một bản ảnh gốc không sửa chữa sẽ được đưa lên mạng với các chi tiết bổ sung.

Frankel luôn nói cho người đọc biết bà đã làm gì khi tạo ra một bức ảnh. Bà cũng bàn bạc với các đồng nghiệp về cách thức thực hiện. "Nếu việc chỉnh sửa các bức ảnh để làm cho chúng trông đẹp hơn thì có thể chấp nhận được, với điều kiện là chỉ ra những thủ thuật đã làm", bà nói.

Đó cũng là cách mà những tạp chí như Scientific American làm khi họ sử dụng tác phẩm của bà - họ thông báo cho người đọc hình ảnh đang được nói đến đã được thay đổi, và thay đổi như thế nào.


Những tấm plastic có in mạch điện tử (Ảnh: Nytimes)

"Khoa học luôn ở trong linh hồn tôi"

Đối với bà Frankel, năm nay đã 62 tuổi, công việc này là sự trở lại với một đam mê lớn thời trẻ. Sinh ra ở Felice Oringel, Brooklyn, bà học ở trường trung học Midwood và Trường đại học Brooklyn, nơi mà bà học chuyên ngành chính về sinh học. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm việc ở một phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh ung thư ở Columbia.

Nhưng cuộc sống đã không đi theo con đường bà mong muốn. Bà kết hôn với Kenneth Frankel. Ông bị đưa tới Việt Nam. Khi ông trở về, họ chuyển tới Massachusetts, nơi mà ông làm bác sĩ phẫu thuật ngực và họ có hai con trai. Khi ông Frankel trở về từ Việt Nam, ông mang theo một quà tặng. Đó là một chiếc máy ảnh rất tốt. Và bà bắt đầu chụp ảnh.


Chất lên men (yeast) tích tụ trong một chiếc đĩa thí nghiệm (Ảnh: Nytimes)

Những bức ảnh đẹp đã lôi cuốn bà tiếp tục chụp. Ban đầu bà là người chụp ảnh tình nguyện cho một đài truyền hình, sau đó là cho một kiến trúc sư. Chẳng bao lâu bà bắt đầu chụp ảnh phong cảnh cho tạp chí và cho một cuốn sách về kiến trúc phong cảnh hiện đại. Sau đó bà đi khắp nước Mỹ để chụp ảnh phong cảnh. Rồi bà nhận ra mình đang đi sai đường. Bà xin một học bổng Loeb tại Trường thiết kế Harvard, nơi bà dành hai năm 1991, 1992 để học hết chương trình đại học. "Tôi sống ở trung tâm khoa học, vì tôi rất thèm trở lại với khoa học", bà nói.

Một ngày, có người giới thiệu cho bà một khoá học về sinh học phân tử, và vị giáo sư đã trình bày bài giảng một cách trực quan. Bà tự giới thiệu về mình và được giáo sư mời tới phòng thí nghiệm của ông. Vị giáo sư đó là tiến sĩ Whitesides. "Chúng tôi bắt đầu nói về cách trình bày khoa học trên tấm bảng đen", ông nhớ lại, "và ở một vài điểm bà ấy nhận xét là chúng tôi đã làm rất tệ, và tôi bảo bà ấy hãy chỉ cho chúng tôi cách làm tốt hơn".


Một vi mạch bộ nhớ máy tính chụp qua kính hiển vi điện tử, sau đó được tô màu bằng kỹ thuật số (Ảnh: Nytimes)

Một trong số những bức ảnh đầu tiên bà thực hiện ở phòng thí nghiệm của ông, những giọt nước nhỏ được đặt thành các hàng trên một tấm kính thí nghiệm với một lưới không thấm nước, đã được in trên trang bìa của tạp chí Science. "Kể từ đó, ảnh hưởng của bà đối với truyền thông khoa học rất lớn", tiến sĩ Whitesides nói. "Ngoài ra", ông nói thêm, "bà ấy có một cảm nhận rất tốt về thiết kế và màu sắc. Khó có thể nói rằng bà không phải là một nghệ sĩ". Còn bà Frankel nói: "Khoa học đã luôn luôn ở trong linh hồn tôi".

"Chất liệu của tôi chính là các hiện tượng tự nhiên như: từ trường, hoạt động của các phân tử nước, hay sự sinh trưởng của các khối vi khuẩn. Tôi không gọi đó là nghệ thuật. Vì nếu nó là nghệ thuật, thì nó phải nói nhiều hơn về người sáng tạo ra tác phẩm đó, chứ không đơn thuần là những khái niệm thấy được trong các hình ảnh"


Chất lỏng giàu sắt dưới tác động của nam châm (Ảnh: Nytimes)


Một giọt nước (Ảnh: Nytimes)

Audio Slide Show

Thục Phương

Theo Sài Gòn tiếp thị
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video