Al Matrooshi nhớ lại một tiết học về không gian ở trường tiểu học, trong đó giáo viên mô phỏng chuyến đi lên Mặt trăng bằng bộ đồ phi hành gia thủ công và chiếc lều tàu tên lửa.
Cô kể: "Chúng tôi bước ra khỏi lều và thấy cô giáo đã tắt đèn trong lớp học. Cô che mọi thứ bằng tấm vải xám và nói với chúng tôi rằng, chúng tôi đang ở trên Mặt trăng".
Buổi học đã gây ấn tượng sâu sắc cho Al Matrooshi, khơi dậy niềm đam mê khám phá không gian trong cô. Ký ức sống động đó đã truyền cảm hứng để Al Matrooshi theo đuổi hành trình lên Mặt trăng ngoài đời thực.
Giờ đây, trong bộ đồ màu xanh thêu tên cô và quốc kỳ của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Al Matrooshi suy ngẫm về khoảnh khắc đưa cô đến con đường trở thành phi hành gia.
Al Matrooshi là một trong hai phi hành gia được Cơ quan Vũ trụ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAESA) chọn để tham gia khóa đào tạo phi hành gia của NASA vào năm 2021.
Một số môn Al Matrooshi đã học là chế tạo robot, các hệ thống của Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) và lái máy bay phản lực siêu thanh. Cô cũng đã tham gia khóa huấn luyện đi bộ ngoài không gian tại một trong những bể bơi trong nhà lớn nhất thế giới.
Nora Al Matrooshi (bìa phải) trong lễ tốt nghiệp tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston, Texas (Mỹ), ngày 5/3/2024.
Sau 2 năm học tập chăm chỉ, Al Matrooshi cùng cựu phi công trực thăng của Cảnh sát Dubai, Mohammad Al Mulla và 10 người khác trong khóa đào tạo đã trở thành phi hành gia đủ tiêu chuẩn. Nhóm với tên gọi "The Flies" hiện đủ điều kiện tham gia các sứ mệnh của NASA tới ISS, sứ mệnh Mặt trăng Artemis và nếu mọi việc suôn sẻ, họ có thể bay tới Sao Hỏa.
Đầu năm nay, UAESA đã công bố kế hoạch xây dựng chốt gió cho Gateway, trạm vũ trụ đang được phát triển để quay quanh Mặt trăng. Al Matrooshi nói: "Tôi muốn đưa con người đi xa hơn. Tôi muốn con người quay trở lại Mặt trăng và tôi muốn con người tiến xa hơn, ra ngoài Mặt trăng. Tôi muốn trở thành một phần của hành trình đó".
Sau khi hoàn thành khóa học, Al Matrooshi bày tỏ mong muốn được chia sẻ những trải nghiệm trong khóa đào tạo của mình với bà, người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình con đường của cô và mẹ.
Bà của Al Matrooshi là người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền và cũng là người đã truyền cảm hứng cho con cháu theo đuổi con đường học vấn.
"Bà luôn muốn cho các con của mình thấy rằng, họ giỏi giang và bà đã truyền cảm hứng để mẹ tôi được là chính mình. Sau đó, mẹ đã truyền cảm hứng để tôi trở thành tôi như ngày hôm nay", cô nói.
Mới đây, một bài báo trên tạp chí Nature của TS. Farhan M. Asrar, Safa Siddiqui và TS. Soyeon Yi đã đề cập đến sự tiến bộ của phụ nữ Ả Rập trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).
Ở lĩnh vực không gian, bài báo nêu ví dụ về những phụ nữ Ả Rập tiên phong trong lĩnh vực này, bao gồm Rayyanah Barnawi, nữ phi hành gia đầu tiên của Ả Rập Xê Út bay vào vũ trụ trong chuyến đi dài 8 ngày hồi năm ngoái.
Ở thế giới Ả Rập, tỷ lệ phụ nữ trong lĩnh vực vũ trụ đang tăng lên. Theo UNESCO, 34% - 57% sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM ở các nước Ả Rập là nữ. Con số này cao hơn nhiều so với các trường đại học tại Mỹ hoặc châu Âu. Số lượng phụ nữ Ả Rập làm việc trong ngành vũ trụ quốc tế chiếm 20% - 22% lực lượng lao động.