Câu chuyện "đến tháng" khi du hành vũ trụ lại một lần nữa khiến NASA đau đầu

  •  
  • 3.940

Kinh nguyệt là một trải nghiệm không mấy dễ chịu. Nhưng nếu các nữ phi hành gia không may "đến tháng" ngay trong vũ trụ, chuyện gì sẽ xảy ra? Ở cái nơi chất lỏng lơ lửng giữa không trung, họ sẽ phải xử lý như thế nào?

Trong những ngày tháng đầu tiên NASA tiến hành chinh phục vũ trụ, chuyện "đến tháng" khi đang ở trong vũ trụ đã luôn là chủ đề kỳ lạ và bí ẩn. Chính vì thế mà phải đến năm 1983, lịch sử mới ghi nhận nhà du hành vũ trụ đầu tiên là phụ nữ.

Phi hành gia mang tên Sally Ride, và được đính kèm nguồn "phụ kiện" cực kỳ hào phóng gồm 100 chiếc tampon dành cho nhiệm vụ kéo dài chỉ vỏn vẹn 1 tuần.

Sally Ride - nữ phi hành gia làm nhiệm vụ kèm theo gói hàng gồm 100 chiếc tampon.
Sally Ride - nữ phi hành gia làm nhiệm vụ kèm theo gói hàng gồm 100 chiếc tampon.

Lo lắng của NASA khi ấy là hoàn toàn có cơ sở, vì cho đến trước thời điểm đó, chẳng ai biết được môi trường vi trọng lực sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh nguyệt. Máu sẽ chảy thế nào, có bị chảy ngược vào trong, hay gây ra những hiện tượng tiêu cực cho sức khỏe hay không?

May mắn thay, hóa ra câu chuyện đến tháng trong vũ trụ cũng không khác Trái đất là bao. Thế là kể từ lúc ấy, các phi hành gia nữ vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong vũ trụ mà chẳng có vấn đề gì cả.

Tuy nhiên, cũng chính câu chuyện này mới đây lại bắt đầu khiến NASA phải suy nghĩ. Vấn đề nằm ở chỗ: toàn bộ tài liệu về kinh nguyệt trong vũ trụ hiện chỉ được ghi nhận trong các nhiệm vụ ngắn hạn.

Vậy với các nhiệm vụ dài ngày thì điều gì sẽ xảy ra? Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng, nhằm phục vụ cho chiến dịch du hành lên sao Hỏa vào năm 2030.

Tại sao kinh nguyệt giờ lại là vấn đề?

Như đã nêu, kinh nguyệt trong vũ trụ cũng không khác biệt là mấy so với trên Trái đất. Tuy nhiên, chuyện vệ sinh cá nhân trong vũ trụ tương đối khó khăn - nhất là về nguồn cung nước.

Trên trạm vũ trụ ISS, hệ thống xử lý nước không được thiết kế để giải quyết máu kinh nguyệt, vì nó còn liên quan đến hệ thống tái chế nước thành nước uống. Tức là về cơ bản, kinh nguyệt trên vũ trụ là một trải nghiệm rất bất tiện.

Thế nên để tránh rắc rối, các nữ du hành phải tìm cách hoãn kinh nguyệt, và họ đang có một số giải pháp. Đầu tiên là uống thuốc tránh thai để hoãn kinh khi làm nhiệm vụ. Thuốc sẽ làm tăng nồng độ oestrogen, khiến trứng không rụng trong một khoảng thời gian nhất định.

Về cơ bản, kinh nguyệt trên vũ trụ là một trải nghiệm rất bất tiện.
Về cơ bản, kinh nguyệt trên vũ trụ là một trải nghiệm rất bất tiện.

Giải pháp tiếp theo là IUD - vòng tránh thai - được đưa vào trong tử cung. Các chất như đồng hoặc hormone trong vòng (như progesterone) sẽ tác động đến chất nhầy trên tử cung, ngăn cản quá trình phóng noãn, khiến trứng rụng ít hơn.

Cuối cùng là tiêm hormone! Phương pháp này cũng tương tự như đặt vòng, và có "thời hạn" sử dụng trong vòng 2 - 3 năm.

Phương pháp nào an toàn nhất

Theo Kristin Jackson - một chuyên gia vật lý trị liệu tại Florida, giải pháp tuyệt vời hơn cả chính là thuốc tránh thai và vòng tránh thai. Lý do chỉ đơn giản là vì an toàn thôi.

"Chúng an toàn tuyệt đối khi dùng để hoãn kinh nguyệt" - cô cho biết.

"Nhưng các phương pháp này chỉ có tác dụng hoãn, và chúng không đảm bảo 100%. Mỗi người có cơ địa khác nhau, nhưng một số phương pháp quả thực cho hiệu quả cao hơn".

Tuy vậy, Jackson cũng cảnh báo rằng phương pháp đảm bảo nhất không có nghĩa là an toàn nhất. Đó chính là loại hình tiêm hormone.

"Sau khi theo dõi các bệnh nhân sử dụng hình thức này, chúng tôi thấy tác dụng phụ là xương loãng dần. Khi bạn phải sống trong môi trường vi trọng lực, đó sẽ là một vấn đề rất lớn".

Một chuyên gia khác là Varsha Jain từ ĐH London thì chia sẻ: "Nghiên cứu trên các nữ quân nhân cho thấy rất nhiều phụ nữ muốn hoãn kinh khi làm nhiệm vụ, thế nên việc các phi hành gia muốn làm điều đó cũng chẳng có gì sai".

Tuy nhiên về phương pháp thuốc tránh thai, Jain cũng chỉ ra một vấn đề tương đối đáng ngại, đó là nguồn cung thuốc. Để hoàn thành nhiệm vụ 3 năm, ước tính cần đến 1.100 viên thuốc, và lượng thuốc này chiếm diện tích không nhỏ trong khoang hàng vốn phải được ưu tiên cho các nhu yếu phẩm khác.

Hơn nữa, cũng có các báo cáo cho thấy việc uống thuốc tránh thai có thể gây loãng xương. Thế nên, giải pháp tốt nhất hiện tại chính là đặt vòng. Có thể đặt trước khi nhiệm vụ diễn gia, nhằm đảm bảo rằng vòng không cần phải thay thế cho đến khi họ quay về Trái đất.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Microgravity.

Cập nhật: 21/02/2018
  • 3.940