Nghiên cứu của các chuyên gia địa chất học Mỹ chỉ ra St. Helen, núi lửa hoạt động mạnh nhất ở phía tây bắc Thái Bình Dương, có khả năng phun trào sau một thập kỷ ngủ quên.
Theo The Guardian, từ tháng 3 năm nay, các nhà khoa học phát hiện hơn 130 trận động đất cường độ nhỏ bên dưới núi lửa St. Helens với số lượng lên đến 40 trận mỗi tuần.
Núi lửa St. Helens nổi tiếng với vụ phun trào khiến nhiều người thiệt mạng nhất trong lịch sử Mỹ vào năm 1980. Tro bụi từ vụ phun trào trải rộng gần 1.600km, kéo theo 57 người tử vong. Ngọn núi lửa tiếp tục thức giấc năm 2004, phun ra cột tro cao trên 9.000m. Hoạt động của nó kéo dài đến tháng 1/2008 và 5 tháng sau đó, các nhà khoa học kết luận núi lửa St. Helens đã đi ngủ.
Vụ phun trào năm 1980 của núi lửa St. Helens giết chết 57 người. (Ảnh: AP).
Tuy nhiên, đầu năm nay, ngọn núi lửa có dấu hiệu hoạt động trở lại. Bắt đầu từ ngày 14/3, các nhà khoa học tại Trạm quan sát núi lửa dãy Cascades thuộc Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ghi nhận những trận động đất cường độ thấp ở độ sâu 1,9 - 6,4km bên dưới núi lửa St. Helens. Chỉ trong vòng 8 tuần, họ phát hiện hơn 130 trận động đất, chủ yếu ở 0,5 độ richter. Trận động đất mạnh nhất trong thời gian gần đây là 1,3 độ richter.
Các trận động đất ngày càng trở nên phổ biến, nhưng dư chấn chưa đủ mạnh để nhận thấy rõ từ mặt đất. "Khi núi lửa rục rịch hồi sinh, phần lớn hoạt động diễn ra ở sâu bên dưới chân chúng ta", Wired dẫn lời Erik Klemetti, phó giáo sư Khoa học địa chất ở Đại học Denison, Ohio, Mỹ.
Dù ngọn núi dường như ngủ yên, dòng magma (đá nhão) bên trong đang di chuyển hướng lên. Các nhà khoa học dự đoán magma dâng cao sẽ tạo áp lực lên lớp vỏ ở xung quanh, dòng chảy magma trào ra qua các khe nứt và làm phát ra những trận động đất nhỏ. Theo USGS, hoạt động tích tụ magma có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm trước khi một vụ phun trào thực sự diễn ra.