Các vụ phun trào núi lửa làm thay đổi cuộc sống cũng như lịch sử loài người trong hơn 2.500 năm qua, đồng thời là nguyên nhân gây ra những mùa hè lạnh nhất từ năm 500 trước Công nguyên (BC) tới năm 1000 sau Công nguyên (AD).
Ảnh hưởng của các vụ phun trào núi lửa tới Trái đất
Theo IB Times, nhóm nghiên cứu gồm 24 nhà khoa học, dẫn đầu là các nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu sa mạc ở Nevada (Mỹ), đã dùng các số liệu mới nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của núi lửa phun trào tới biến đổi khí hậu.
Tro bụi từ núi lửa Calbuco nhìn từ thành phố Puerto Montt, Chile. (Ảnh: AFP)
Nhóm nghiên cứu sử dụng 20 cột băng lấy từ các tảng băng ở Greenland và Nam Cực để tìm phân tử sulphate trong tro bụi núi lửa. Các phân tử này giúp các nhà khoa học tìm ra nồng độ sulphate trong khí quyển qua từng năm, nhờ đó có thể lập lại khung thời gian của gần 300 vụ phun trào núi lửa trong suốt 2.500 năm qua.
"Khi sử dụng các tài liệu ghi nhận mới, chúng tôi phát hiện ra các vụ phun trào núi lửa xảy ra ở vùng nhiệt đới và ở vĩ độ cao là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu cũng như gây ra vô số các đợt hè cực lạnh kéo dài trong hơn 2.500 năm qua. Nhiệt độ xuống thấp là do một lượng lớn phân tử sulphate trong tro bụi núi lửa bay vào thượng tầng khí quyển, che phủ bề mặt Trái Đất tránh khỏi bức xạ Mặt Trời," Michael Sigl, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu tiến hành dịch các tài liệu cổ xưa của Trung Quốc, Babylon (Iraq) và châu Âu ghi nhận sự bất thường của tầng khí quyển vào đầu năm 245 BC với những hiện tượng như ánh nắng biến mất, bầu trời chạng vạng màu đỏ, đĩa mặt trời phai màu, mặt trời xuất hiện quầng hào quang.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phun trào núi lửa có tác động mạnh mẽ nhất và kéo dài nhất là các vụ phun trào ở Bắc bán cầu vào năm 536, 626 và 939 BC, gây ra mùa hè lạnh giá và kéo dài ở nhiều nơi, kéo theo mất mùa và đói kém.
Nghiên cứu cũng chỉ ra núi lửa phun trào khiến mây bụi che phủ Địa Trung Hải trong suốt một năm rưỡi kể từ tháng 3/536 AD, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại.
Các nhà khoa học cho rằng các vụ phun trào núi lửa cũng góp phần gây bùng nổ bệnh dịch hạch Justinian, tiêu diệt phần lớn dân số ở đại lục Á-Âu từ năm 541- 543 sau Công nguyên.
"Biểu đồ thời gian các vụ phun trào núi lửa mới lập sẽ cải thiện các mô phỏng mô hình khí hậu thông qua những chỉ số về độ nhạy của hệ thống khí hậu trước tác động của phun trào núi lửa trong 2.500 năm qua," Joe Mc Connell, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
"Kết quả là, biến đổi khi hậu được quan sát qua nhiều giai đoạn có thể được xem xét dưới rất nhiều góc độ khác nhau, như trong giai đoạn La Mã nóng lên hay các giai đoạn thay đổi văn hóa quan trọng như thời kì di dân lớn xảy ra ở Châu Âu vào thế kỉ thứ 6."