Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Núi Thanh Thành và công trình thủy lợi Đô Giang Yến là Di sản văn hóa thế giới năm 2000.
Sông Mân bắt nguồn từ vùng cao nguyên miền Bắc tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây đồng bằng Thành Đô là nhánh sông lớn thuộc thượng du sông Trường Giang.
Trước khi xây dựng công trình thủy lợi Đô Giang Yến
Thời ấy, hơn 2.200 năm trước, vào mùa xuân và hè, khi nước lũ dâng cao, nước sông tràn xuống qua huyện Quán rồi đổ vào vùng đồng bằng Thành Đô, do mặt sông nhỏ hẹp mà thường gây lũ lụt, khi nước lũ rút đi, để lại những bãi đất nham nhở sỏi đá. Lũ lụt hàng năm hoành hành gây hại cho người dân sống bên sông Mân Giang. Viên quan nhà Tần là Lý Binh đã được phái tới Thành Đô làm khâm sai, đã quyết định cho khảo sát khu vực sông này với một số cư dân địa phương. Ông đã làm quen với thực địa địa mạo khu vực và dòng chảy của dòng sông và đã tìm ra nguồn nước của con sông. Nước chảy từ Mân Sơn và bắt đầu vào mùa Hè thì chảy xuống Mân Giang gây hại cho khu vực này.
Dự án xây dựng công trình thủy lợi có 1-0-2
Lúc ấy, Lý Binh có một quyết định táo bạo, trí tuệ và ngoạn mục, tạo nên một công trình thủy lợi nổi tiếng thế giới. Và ông là người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc áp dụng phương pháp khoa học trị lý nguồn nước, góp phần trong việc xây dựng nền văn minh Trung Hoa xán lạn với nhiều phát minh mà cả thế giới phải kính nể. Lý Binh đã tận dụng những kinh nghiệm về khơi dòng dẫn nước trong trị lý nguồn nước của Đại Vũ thời Trung cổ, phép biện chứng tự nhiên "Tùy theo thực tế mà khơi dòng dẫn nước ". Nhờ thế, hệ thống thủy lợi này đem lại nguồn lợi to lớn, tưới tiêu cho 700.000 ha đồng ruộng thuộc hơn 40 huyện khác nhau, được coi như kiệt tác vĩ đại tạo phúc cho nhân dân một đất nước vĩ đại.
Hệ thống thủy lợi Đô Giang Yến được hình thành bởi 3 bộ phận đập Miệng cá - phân dòng, Phi Sa Yến - luồng chia lũ và xử lý đất cát, Bảo Bình khẩu - cửa miệng nhập nước. Công trình thủy lợi tự động này giải trừ sự đe dọa của thủy hoạn, khiến cho vùng đồng bằng Tứ Xuyên vừa bình an, vừa đầy nước tưới tiêu, thành xứ "Thiên phủ" trù phú, mà Đô Giang Yến được ví như dải ngân hà kỳ diệu trên mặt đất.
Để hoàn thành công trình này Lý Binh đã quyết định chia dòng chảy con sông thành ra hai dòng khiến cho một dòng nước chảy theo dòng bình thường và một dòng còn lại chảy vào ruộng của dân. Trong quá trình thực hiện việc đó Lý Binh lại mắc phải một vấn đế lớn đó là đồi đá Ngọc Lũy cản lối đi của dòng nước đến đồng bằng. Sau khi tính toán ông đã hạ lệnh cắt một lối đi xuyên qua ngọn đồi này. Nhưng đồi lại toàn đá không đào được vì thế ông đã áp dụng tính toán dựa trên nguyên lý vật lý rất xuất sắc đó là chất củi và cỏ khô lên đá và đốt. Việc thay đổi nhiệt độ này đã khiến đá nút ra và công nhân đã có thể đào đường hầm xuyên qua đồi. Công việc xây dựng này mất tới 7 năm và những người dân ở đây gọi lối đi xuyên đồi này là Bảo Bình Khâu. Sau khi công trình hoàn thành thì hàng năm, hàng trăm chuyên gia thủy lợi nước ngoài đến nơi đây tham quan tìm hiểu, họ rất cảm phục trình độ khoa học của công trình. Cho đến tận hôm nay, các nhà khoa học và các chuyên gia thủy lợi vẫn không thể không thán phục một con người với trí tuệ siêu phàm đã áp dụng kiến thức khoa học để xây dựng nên một công trình thủy lợi hoàn chỉnh từ hơn 2.000 năm trước.
Cảnh sắc tươi đẹp của khu vực công trình thủy lợi và núi Thanh Thành
Vùng đất này khí hậu 4 mùa, cảnh sắc tươi đẹp, công trình thủy lợi kỳ vĩ cảnh làm cho khung cảnh trở nên ngoạn mục. Từ xa, đã có thể nghe được tiếng nước chảy, dù nước có dữ dằn như trận chiến Thủy tinh, thì nông dân và du khách vẫn yên lòng, vì thủy tặc đã bị trị bằng khoa học từ thời cổ. Cây cối xanh từng tầng uốn theo sông, theo độ cao của núi, thấp thoáng ẩn hiện những kiến trúc độc đáo là các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử như chùa Nhị Vương, chùa Linh Nham, công viên Ly Đôi và Ngọc Lũy, phục Long Quan, cầu treo An Lan.
Leo lên Mục Long Quan đến đình Quan Lan, phóng xa tầm mắt - đằng kia núi tuyết Tây Lĩnh, cảnh đẹp núi Thanh Thành và Đô Giang Yến kỳ vĩ có một không hai, với vẻ hiền hòa và mạnh mẽ ngàn năm, bên dưới là dòng nước thao thao đổ vào Bảo Bình khẩu, thật vô cùng tráng lệ, vẻ tráng lệ như bất chấp thời gian. Sau khi xây dựng thành công công trình thủy lợi này ở Trung Quốc có lưu truyền một câu câu ngạn ngữ nổi tiếng "Con người sợ thời gian. Nhưng thời gian lại sợ các Kim tự tháp". Nhân loại đã kính nể các Pharaon xây nên kỳ quan ở Ai Cập châu Phi kia, thì cũng nên bổ sung: "Thời gian sợ Đô Giang Yến".
Đâu chỉ thời gian, mà còn là những con sông dữ, những Thủy Tinh bị trị, mà Lý Binh với khát vọng trí tuệ vì dân đã làm nên công trình trường tồn như thế.
Núi Thành Thành và Công trình Thủy lợi Đô Giang Yến đươc Unesco công nhận là Di sản văn hóa theo các tiêu chí (ii), (iv), (vi).
Tiêu chí (ii): Các hệ thống thủy lợi Đô Gian Yển được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 trước CN cho thấy một bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của các thức xây dựng hệ thống thủy lợi.
Tiêu chí (iv): Đây là minh chứng cho sự tiến bộ khoa học, kỹ thuật của Trung Quốc từ giai đoạn trước CN
Tiêu chí (vi): Các ngôi đền trên núi Thanh Thành có liên quan chặt chẽ với Đạo giáo, một trong những tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.
Hiện nay, mặc dù đã hàng nghìn năm qua đi nhưng công trình này vẫn được bảo tồn khá toàn vẹn. Trong trận động đất ở Tứ Xuyên vào ngày 12/5/2008, hệ thống thủy lợi Đô Giang Yến gần như không bị hư hại gì, nhưng một số đến thờ Đạo giáo thì có bị hư hại. Ngay sau đó, Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã cho khắc phục, sửa chữa để bảo toàn giá trị của di sản này.