Các nhà khoa học thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) vừa nuôi cấy thành công tế bào thần kinh thính giác nguyên bản trên cơ sở lợi dụng tế bào gốc đa chức năng (iPS) từ da chuột.
Kết quả này có lợi cho việc điều trị những người mắc bệnh khiếm thính do sự giảm thiểu số lượng thần kinh thính giác gây ra.
Giáo sư Ito Shoua và Shinya Yamanaka thuộc Đại học Kyoto dẫn đầu nhóm nghiên cứu đã thực hiện công tác nuôi cấy tế bào thần kinh thính giác nguyên bản trên cơ sở tế bào iPS được tạo ra từ tế bào da của chuột.
Ảnh minh họa.
Sau đó, các nhà khoa học đã cấy tế bào thần kinh thính giác nguyên bản này vào trong ốc tai của chuột con mới sinh.
Sau 1 tháng, đa số tế bào được cấy đã phát triển rất nhanh và hình thành các dây thần kinh ốc tai - một loại dây thần kinh sẽ gây ra bệnh khiếm thính nếu chúng bị giảm thiểu hoặc mất đi.
Trước đó nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy thành công tế bào thần kinh thính giác nguyên bản trên cơ sở lợi dụng tế bào gốc phôi, sau đó cấy vào chuột bị tổn thương thần kính thính giác và đã cải thiện một phần khả năng thính giác của chuột.
Việc nuôi cấy tế bào thần kinh thính giác nguyên bản trên cơ sở tế bào iPS có thể giúp tránh vấn đề đào thải.
Vì vậy các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng, kết quả trên có lợi cho việc điều trị những người mắc bệnh khiếm thính do sự giảm thiểu số lượng thần kinh thính giác gây ra.
Ngoài ra, thí nghiệm còn chứng minh, tế bào iPS có nguồn gốc khác nhau và có khả năng sản sinh các tế bào ung thư, vì thế trong nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học sẽ lựa chọn tế bào iPS phù hợp để thực hiện công việc cấy ghép tế bào thần kinh nguyên bản một cách chính xác và hiệu quả./.