Nuôi cấy thành công tế bào thần kinh từ máu tươi

  •  
  • 959

Lần đầu tiên trong lịch sử y học, các nhà khoa học tại Đại học McMaster có thể dùng tế bào máu của người trưởng thành và chuyển hóa nó thành tế bào thần kinh (cả trung ương lẫn ngoại biên).

Lần đầu tiên nuôi cấy thành công tế bào thần kinh từ máu tươi

Thành công mang tính đột phá lần này sẽ cung cấp biện pháp chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đồng thời mở ra cơ hội phát triển các loại thuốc giảm đau đặc trị, nhắm chính xác tới cội nguồn cơn đau mà không gây nghiện hoặc các tác dụng phụ không mong muốn khác. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell mới đây.

Nuôi cấy thành công tế bào thần kinh từ máu tươi

Mick Bhatia, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết: "Trong quá trình xét nghiệm chẩn đoán bệnh, chúng ta có thể lấy mẫu máu, da hoặc thậm chí là sinh thiết để xét nghiệm nhưng hoàn toàn không thể lấy "mẫu não" được. Giờ đây, chúng tôi đã có biện pháp dễ dàng hơn là dùng mẫu máu và nuôi cấy nên các dạng tế bào chính trong hệ thần kinh. Và tất nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ có một dĩa petri chứa mấu tế bào thần kinh của riêng họ."

Từ trước đến nay, bác sĩ vẫn không thể nào biết được những cơn đau của bệnh nhân, từ đó, rất khó để xác định nguồn gốc cơn đau và điều trị như thế nào cho đúng.

Về cơ bản, hệ thống thần kinh ngoại biên chịu trách nhiệm về cơn đau của con người, về nhiệt độ và những cơn ngứa. Nếu chẳng may hệ thống thần kinh ngoại biên của bệnh nhân vì lý do gì đó không hoạt động nữa thì việc chẩn đoán bệnh sẽ trở nên khó khăn bội phần. Tuy nhiên, nếu như các bác sĩ có thể nuôi cấy tế bào thần kinh, sau đó "đọc thông tin" và trả lời cho câu hỏi tại sao người đó cảm thấy tê trong khi người khác thấy đau,…

Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học McMaster có thể sử dụng các tế bào máu của người trưởng thành và chuyển hóa nó thành dạng tế bào có khả năng biệt hóa thành nhiều dạng tế bào đặc thù trong hệ thần kinh (còn được gọi là progenitor - tế bào đầu dòng). Từ đây, chúng sẽ được biệt hóa trực tiếp thành những tế bào thần kinh trung ương hoặc ngoại biên trong ống nghiệm (in vitro) hoặc cấy ghép chúng vào chuột để biệt hóa tùy thuộc vào tín hiệu nhận được từ môi trường.

Thành công lần này chẳng những tạo điều kiện chẩn đoán bệnh chính xác hơn mà còn mở ra cơ hội phát triển các loại thuốc đặc trị. Nhà nghiên cứu Bhatia cho biét: "Nếu tôi là một bệnh nhân và tôi cảm thấy đau về vật lý hoặc mắc bệnh tâm lý, tôi rất cần một loại thuộc đặc trị, nhắm mục tiêu tới cội nguồn các cơn đau chính là hệ thống tế bào thần kinh ngoại biên. Loại thuốc này sẽ nhắm chính xác tới mục tiêu, không ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh trung ương nên cũng không gây tác dụng phụ hoặc gây nghiện."

Nói cách khác, nếu giảm đau bằng loại thuốc mới nói trên, bạn sẽ không còn phải đối mặt với những tác dụng phụ không mong muốn sau khi uống thuốc (như buồn ngủ, mất ngủ, mất ý thức,…). Bhatia giải thích: "Bạn chỉ muốn cơn đau của bạn qua đi. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn chưa có công nghệ để kiểm tra tác dụng phụ của thuốc giảm đau đối với hệ thần kinh. Do đó, chúng tôi hy vọng rằng thành công lần này sẽ mở ra hy vọng biến điều đó thành hiện thực."

Trước mắt, Bhatia cho biết rằng các bệnh nhân tiểu đường type 2 sẽ được hưởng lợi từ nghiên cứu lần này. Bằng cách nuôi cấy tế bào thần kinh của từng bệnh nhân trong phòng thí nghiệm, các bác sĩ có thể thực hiện một số thử nghiệm nhằm dự đoán chính xác hơn vị trí cơn đau trên người bệnh nhân dựa vào hệ thống thần kinh ngoại biên. Từ đó có hướng điều trị hữu hiệu hơn. Mặt khác, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng sắp tới, họ không chỉ tạo ra tế bào thần kinh từ máu tươi mà còn từ máu đông nữa. Nếu làm được điều đó, họ sẽ tạo nên một kho lưu trữ dữ liệu lâm sàng một cách sống động nhất.

Theo Tinh Tế
  • 959