Nuôi chim yến trong nhà: Nghề “độc” ở Ninh Thuận

Thượng tuần tháng một vừa qua, khi hơn 90% trứng chim yến lứa thứ sáu được ấp nở với tỉ lệ chim con ra ràng (biết bay) lên đến 30%, giám đốc Công ty TNHH Yến Việt Võ Thái Lâm đã mạnh dạn khẳng định: với điều kiện phong thổ của Ninh Thuận, hoàn toàn thích hợp để chim yến có thể di trú và định cư. Và nếu được đầu tư đúng mức, nuôi chim yến thương phẩm trong nhà ở Ninh Thuận sẽ là một nghề “độc nhất vô nhị” của cả nước.

Đất lành... chim đậu

Chim yến ấp nở khoảng hơn một tháng (Ảnh: TTO)
Anh Võ Thái Lâm - giám đốc Công ty Yến Việt - kể sau khi đọc thông tin trên Tuổi Trẻ về sự xuất hiện của đàn chim yến hơn 100 con trong khuôn viên trụ sở Đoàn ca múa Ninh Thuận ngay giữa trung tâm thị xã Phan Rang (Tuổi Trẻ 25-3-2004), ý tưởng về nghề nuôi chim yến trong nhà bắt đầu nhen nhóm trong anh.

Để có cơ sở thực hiện ý tưởng này, đầu năm 2005, ông giám đốc “chịu chơi” này cùng một cộng sự của công ty đã tự túc kinh phí tham dự khóa đào tạo kỹ thuật viên nuôi chim yến tại Indonesia; đồng thời tham quan làng chim yến Par Panăng (Thái Lan) để tìm hiểu mô hình nuôi loài chim quí này.

Tháng 4-2005, anh Lâm mạnh dạn đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận cho thực hiện dự án bảo vệ và phát triển đàn chim yến tự nhiên tại ngôi nhà 592 Thống Nhất. Công ty Yến Việt chính thức được thành lập.

Kết quả phân chủng của Viện Khoa học công nghệ Paris (Pháp) cho biết chim yến đang cư trú tại thị xã Phan Rang (Ninh Thuận) thuộc giống Aerodramus, loài A.fuciphagus. Theo tài liệu nghiên cứu của tiến sĩ sinh học Nguyễn Khoa Diệu Thu, loài yến này có chiều dài trung bình 12cm, trọng lượng 12-20 gam, toàn thân màu nâu thẫm.

Ở VN, loài A.fuciphagus thường thấy tại các đảo thuộc một số tỉnh như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Kiên Giang... Và như vậy, sự di trú của loài yến này đến Phan Rang là một hiện tượng lạ.

Triển vọng một nghề mới

Ngôi nhà 592 Thống Nhất được cải tạo theo hướng... dẫn dụ đàn chim: toàn bộ lỗ thông gió, cửa sổ được bít kín chỉ chừa một khoảng trống lớn trên cao để chim ra vào, tường vách được sửa chữa lại nhằm tăng độ cách âm, hệ thống máy phun nước dạng tia được lắp đặt ở nhiều vị trí trong ngôi nhà liên tục hoạt động... Anh Lâm giải thích: loài chim yến rất khó chịu.

Muốn giữ chúng phải tạo được một không gian phù hợp về độ tối, nhiệt độ (khoảng 280C), độ ẩm 95% và nhất là tránh tiếng ồn...

Theo ánh đèn pin soi lối, thật kỳ thú, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm tổ chim yến hình dạng chiếc bát úp đóng đều khắp trần nhà và các bức tường cùng đàn yến dày đặc bay lượn.

Anh Lâm cho biết để tránh cho chim bị... sốc, cuối năm rồi công ty quyết định mua luôn ngôi nhà bên cạnh (số 594) và tiếp tục cải tạo theo hướng xây tổ để dẫn dụ chim. Và thật bất ngờ, chỉ hơn tháng sau đó khoảng 100 con đã tự động tách bầy sang sống ở tổ mới. “Hiện đàn chim yến của công ty đã lên đến hơn 2.000 con” - anh Lâm cho biết.

Tháng mười năm ngoái, Công ty Yến Việt quyết định thực hiện một công việc táo bạo: ấp trứng chim yến bằng phương pháp nhân tạo. “Làm cho trứng nở không khó, gay go nhất là công đoạn nuôi sống chim con để chúng có thể ra ràng (hòa nhập với đàn để bay kiếm ăn) sau 45 ngày” - anh Lâm nói.

Sau năm lần thất bại liên tiếp (tỉ lệ chim con sống chỉ 1-2%), đầu tháng một vừa qua, lứa ấp thứ sáu đã cho kết quả bất ngờ: 90% trứng nở với tỉ lệ chim con ra ràng (biết bay) lên đến 30%.

Công ty Yến Việt đang đề xuất với UBND tỉnh cho tổ chức hội thảo khoa học để nhân rộng mô hình nuôi chim trong nhà theo hướng thương phẩm. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng bà con trong tỉnh với mục tiêu xây dựng một làng nuôi chim “độc nhất vô nhị” của cả nước trong tương lai không xa” - anh Lâm nói.

L. TRƯỜNG

Theo Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video