Những lợi ích sức khỏe to lớn của sữa mẹ là điều không có gì đáng bàn cãi hay nghi ngờ. Tuy nhiên với kết quả từ một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia có lẽ sẽ phải xem xét lại khoảng thời gian tốt nhất dành cho việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không cần sự bổ sung của bất kỳ loại thực phẩm nào khác.
Năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thông điệp: “cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nhằm giúp trẻ đạt được sức khỏe, tăng trưởng và phát triển tối ưu”. Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bác sĩ nhi khoa hàng đầu thế giới, mục đích là nhằm cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh ở các nước có thu nhập thấp, những nơi mà nguồn nước và thực phẩm dễ bị ô nhiễm hoặc không đầy đủ chất. “Còn tại các quốc gia mà bình quân thu nhập đầu người ở mức cao, lời khuyến cáo này rõ ràng ít rầm rộ hơn”, tác giả Olof H.Jonsdottir (Đại học Iceland) cho biết.
Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng có hàm lượng
sắt thấp hơn trẻ được ăn bổ sung ngũ cốc từ tháng thứ 4.
Nhưng theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Pediatrics ngày 12/11 vừa qua, những em bé ăn thêm các loại thực phẩm ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh bắt đầu từ lúc 4 tháng tuổi có hàm lượng chất sắt cao hơn so với những bé chỉ bú sữa mẹ trong 6 tháng (lưu ý rằng không có sự khác biệt về tỷ lệ thiếu máu giữa 2 nhóm).
Để rút ra kết luận trên, 100 trẻ sơ sinh ở Iceland đã được lựa được chọn ngẫu nhiên và phân thành 2 nhóm: bên cạnh sữa mẹ, nhóm 1 bắt đầu được bổ sung các loại thực phẩm khác vào tháng thứ 4 còn nhóm 2 thì phải đến tháng thứ 6.
Sau đó, tiến hành đo tốc độ tăng trưởng và nồng độ sắt của trẻ khi đều đạt 6 tháng tuổi, các chuyên gia nhận thấy mặc dù không có sự khác biệt giữa 2 nhóm về số cân nặng nhưng hàm lượng chất sắt ở nhóm 1 lại cao hơn nhóm 2 với ngũ cốc là nguồn bổ sung chính, ngoài ra còn có sữa bột và trái cây.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm hiểu những ý nghĩa sinh học liên quan tới sự chênh lệch đó”, H. Jonsdottir nói thêm.