Ánh sáng nhân tạo tại các thành phố vào ban đêm cản trở sự hình thành các chất làm sạch không khí.
Thành phố Los Angeles về đêm. (Ảnh: flickr.com).
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan quản lý Hải dương và Khí quyển quốc gia Mỹ dùng máy bay để đo cường độ ánh sáng thành phố trên không phận thành phố Los Angeles, bang California bốn lần trong mùa hè vừa qua, Discovery đưa tin. Họ nhận thấy ánh sáng nhân tạo tại khu vực thành phố Los Angeles yếu hơn 10.000 lần so với ánh sáng mặt trời, song nó kìm hãm tốc độ làm sạch không khí vào ban đêm.
Theo nhóm nghiên cứu, ánh sáng cản trở quá trình hình thành một loại phân tử nitơ oxit mà người ta gọi là gốc nitrat. Gốc này được tạo nên bởi những phản ứng giữa nitơ dioxide (NO2) với ozone (O3). Nó liên kết với các chất gây ô nhiễm trong không khí, song phân hủy nhanh khi tiếp xúc với ánh sáng.
“Gốc nitrat không tồn tại vào ban ngày. Nó xuất hiện vào ban đêm, tương tác với các chất gây ô nhiễm và làm sạch không khí”, Stark giải thích.
Ngoài việc làm giảm tốc độ làm sạch không khí, ánh sáng điện còn làm tăng số lượng phân tử gây ô nhiễm.
Anne Douglass, một nhà khoa học của NASA, nói rằng những tác nhân gây ô nhiễm mà con người lo ngại nhất là hạt siêu nhỏ và ozone trên mặt đất. Chúng được tạo nên từ các hóa chất khác. Phản ứng tạo ra chúng cần ánh sáng để xảy ra.
Các nhà khoa học nhận định việc thay đổi loại ánh sáng có thể không giúp cải thiện tình hình, trừ khi các thành phố dùng ánh sáng đỏ, loại ánh sáng không tác động tới sự hình thành của gốc nitrat.