Khai thác khoáng sản dưới đáy biển: Cơ hội và bất trắc

Đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) đã nhận được hồ sơ của Trung Quốc xin phép khai thác các mỏ sulphide dưới đáy biển thuộc vùng hải phận quốc tế phía tây nam Ấn Độ Dương.

Cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát nguồn khoáng sản khổng lồ trong lòng đại dương lại một lần nữa được hâm nóng...

Kho tàng dưới đáy biển

Với các nhà nghiên cứu, ống khói đen là một trong những hiện tượng địa chất kỳ thú nhất dưới đáy đại dương. Thực chất, đây là một dạng miệng phun thủy nhiệt (khe nứt trên vỏ trái đất, tạo ra một dòng nước phun trào được hâm nóng bằng địa nhiệt). Nước biển thẩm thấu qua các tầng đá xốp, gặp phải dòng nham thạch nóng bỏng của núi lửa ngầm, bị đun sôi lên đến hơn 4000độ C thì bị đẩy ngược trở lại, mang theo rất nhiều khoáng chất quý giá ở dạng hoà tan. Khi gặp lớp nước lạnh bên trên, các khoáng chất này kết tủa lại, tạo thành những cột nước tối sẫm, có thể cao đến 60m, thoạt nhìn như một cột khói khổng lồ. Ống khói đen thường được tạo bởi dòng nước giàu sulphide.

Bên cạnh đó, người ta còn sử dụng một thuật ngữ khác là ống khói trắng để chỉ các miệng phun thủy nhiệt chứa các loại khoáng chất có màu sáng hơn như bari, canxi, silic. Qua thời gian, khoáng chất lắng xuống, hình thành lớp sàng quặng. Đó chính là nơi người ta có thể tìm thấy hầu hết những nguyên liệu thô cần thiết cho các ngành công nghiệp. Một nghiên cứu sơ bộ cho thấy, chỉ riêng các vùng biển ven bờ Papua New Guinea, New Zealand, Inđônêxia và Nhật Bản đã có đến gần 200 ống khói đen. Nhiều vị trí trong số này có trữ lượng quặng từ 5-10 triệu tấn, đủ để thu hút các công ty khai thác khoáng sản.

Tàu phục vụ khảo sát, khai khoáng dưới đáy biển của Nautilus.

Chạy đua trong “thế giới ngầm”

Hai mươi năm trước, ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không dám nghĩ đến việc khai khoáng ở độ sâu hơn 2.000 mét dưới mặt nước biển. Nhưng với những thành tựu công nghệ hiện nay, đó là điều hoàn toàn khả thi. Trên thực tế, ngành dầu khí đã thực hiện được những mũi khoan sâu 1.500 mét trên thềm lục địa Brazil và đang triển khai những mũi khoan sâu tới 2.500 mét trong vịnh Mexico. Những thiết bị hiện đại dùng trong thăm dò và khai thác dầu khí sẽ là tiền đề quan trọng để triển khai những dự án khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, sự hoàn thiện của hệ thống định vị vệ tinh cũng góp phần đơn giản hoá việc đánh dấu vị trí của các ống khói đen, ống khói trắng.

Dự án toàn diện đầu tiên tìm kiếm tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển do Nautilus, một công ty có trụ sở tại Canada chủ trì. Nautilus đang thương lượng để giành được quyền khai thác thương mại một khu vực đáy biển rộng gần 60km2 nằm ở độ sâu 1.600m ngoài khơi Papua New Guinea. Nếu điều kiện cho phép, dự án sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Kết quả khoan thăm dò cho thấy khu vực này có trữ lượng khoáng sản, đặc biệt là vàng và đồng rất lớn, ước tính có thể đạt tổng giá trị ít nhất 1 tỷ đôla theo thời giá hiện tại. Một thực tế hấp dẫn khác là tỷ lệ đồng trong đá quặng ở đây đạt từ 8-10%, trong khi ở các mỏ trên mặt đất, con số này chỉ đạt trung bình 0,59%. Như vậy, cứ mỗi tấn đồng thu được từ đáy biển, khối lượng vật chất mà nhà khai thác phải xử lý sẽ thấp hơn 40%.

Doanh nghiệp thành công nhất trong việc tìm kiếm lợi nhuận từ đáy biển hiện nay có lẽ là De Beers, công ty đang chiếm 40% thị trường kim cương toàn thế giới. Là một trong những người đi tiên phong trong việc chuyển hướng từ khai thác các mỏ trên đất liền sang khai thác dưới đáy đại dương, De Beers đồng thời là công ty đầu tiên tự phát triển một công nghệ thích hợp để đào bới, thu gom quặng kim cương ở độ sâu 150m dưới mặt nước. Dự án do De Beers triển khai ở vùng trầm tích xốp ngoài khơi Namibia cho hiệu quả thật đáng kinh ngạc: sản lượng kim cương do tốp nhân viên 47 người khai thác được tương đương với sản lượng của một khu mỏ sử dụng 3.300 nhân viên trên đất liền. Năm 2006, chỉ riêng ở vùng đáy biển này, công ty đã thu được 1.018 triệu carat kim cương thô có tổng giá trị 350 triệu đôla. 

Nhu cầu cực lớn của các nền công nghiệp đang phát triển nóng như Trung Quốc, Ấn Độ đã đẩy giá khoáng sản liên tục lên những đỉnh cao mới. Khi bắt đầu dự án ngoài khơi Papua New Guinea, Nautilus cho biết họ sẽ có lãi chừng nào giá đồng nguyên liệu trên mức 1,5 đôla/1 pound. Trong khi đó, giá đồng hiện nay đã là 3,2 đôla/1 pound và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu vẫn còn rất cao, trong khi các mỏ trên mặt đất đã dần cạn kiệt.

Một ống khói đen dưới đáy biển

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều loại khoáng sản khác như vàng, bạc, nickel…Dễ hiểu vì sao các công ty khai khoáng lại sốt sắng đến vậy trong việc triển khai các dự án thăm dò đáy biển. Trong bối cảnh này, hồ sơ của Trung Quốc gửi đến ISA được đặc biệt chú ý. Đây là hồ sơ đầu tiên xin phép được khai thác khoáng sản đáy biển ở vùng hải phận quốc tế (các dự án như De Beers hay Nautilus đều thực hiện trong vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia, được chính quốc gia đó cho phép dựa trên thỏa thuận chia sẻ lợi ích giữa 2 bên). Thành công của Trung Quốc (trong trường hợp hồ sơ của họ được phê chuẩn) có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát nguồn khoáng sản trong lòng đại dương, bởi lẽ, rất nhiều miệng phun thủy nhiệt đã được xác định nằm ở vùng biển quốc tế.

Nỗi lo môi trường

Một lý do khác khiến dư luận, đặc biệt là các tổ chức môi trường quan tâm đến hồ sơ của Trung Quốc là vì nó được đưa ra vào đúng thời điểm vụ tràn dầu lịch sử trong vịnh Mexico đang ở giai đoạn tồi tệ nhất. Nhiều nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng, việc khai thác khoáng sản dưới đáy biển cũng có thể dẫn đến một thảm họa tương tự, nhất là khi tác động của nó đến độ bền vững của các tầng địa chất đáy biển và hệ sinh thái quanh khu vực khai thác vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. 

Đại diện của các công ty khai thác cho rằng khai khoáng dưới đáy biển ít gây hại cho môi trường hơn khai thác mỏ trên đất liền. Triển khai một khu khai thác ngoài biển không phải giải toả dân cư, cũng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan. Do đặc tính của quặng khai thác từ đáy biển, lượng hóa chất cần dùng trong quá trình xử lý sẽ ít hơn. Nguy cơ ô nhiễm axít cũng hầu như không xảy ra vì axít sẽ được trung hoà trong nước biển có tính kiềm.

Tuy nhiên, những quan điểm này không khiến các tổ chức hoạt động môi trường yên tâm. Mối lo ngại đầu tiên là các đám mây bụi hình thành và mở rộng theo hải lưu khi lớp trầm tích đáy biển bị cào xới. Các công ty khai thác khẳng định công nghệ của họ đảm bảo vấn đề này không xảy ra. Nhưng theo các nhà hoạt động môi trường, một số hoạt động khảo sát những năm trước đã khiến các sinh vật tầng đáy quanh các miệng phun thủy nhiệt mất nơi cư trú. Trong số này, có rất nhiều dạng sống kỳ lạ không hề có ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Giới nghiên cứu lo ngại rằng khai khoáng dưới đáy biển nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến nhiều loài sinh vật biến mất trước khi được biết đến.

Nguồn: AP, Independent, Spiegel

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video