Ống nhựa đang ngày càng được sử dụng để thay thế ống nước bằng đồng nhưng chúng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến mùi và vị của nước uống.
“Nhựa có mùi trái cây” giống như mùi của một chai rượu vang trắng đã bị hỏng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong số các từ chê bai mà một ban “chuyên gia giác quan” về nước đã dùng để miêu tả mùi của nước uống trong ống nhựa, loại ống đang được sử dụng ngày càng nhiều trong các gia đình ngày nay.
Tiến sĩ Andrea Dietrich chỉ ra rằng, sự xuất hiện đột ngột các lỗ rò rỉ trong các ống nước bằng đồng được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây đã dẫn đến sự ưa chuộng các ống nước bằng nhựa có giá thành thấp hơn. Tiến sĩ Dietrich và đồng nghiệp tại viện Virginia đang thực hiện việc đánh giá phương thức nhựa gây ảnh hưởng đến chất lượng và mùi của nước.
Tiến sĩ Andrea Dietrich
“Mặc dù nước là một hỗn hợp phức tạp các chất hóa học hữu cơ và vô cơ nhưng hầu hết người ta đều mong rằng nước uống không có hoặc có ít vị,” tiến sĩ Dietrich ghi nhận. Với những mong muốn như vậy, bất cứ mùi hoặc vị nào có trong một ly nước uống sẽ dễ dàng nhận thấy.
(Ảnh: Sciencedaily)
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Dietrich đang sử dụng hai phương pháp để đánh giá các mùi có liên quan đến một số loại ống nhựa. Đầu tiên, những “chuyên gia giác quan” sẽ ngửi và miêu tả mùi của nước sau khi nước đã ở trong các ống nhựa được vài ngày. Sau đó, nước sẽ được phân tích hóa học để kiểm tra các kim loại, chất hữu cơ và các tham số cơ bản về chất lượng nước, như độ pH.
Bằng cách sử dựng nước đã được chuẩn bị đặc biệt và không có mùi làm cơ sở, các chuyên gia đã miêu tả mẫu nước kiểm tra bằng các từ “cam quít có mùi nhựa”, “nhựa có mùi trái cây” và “nhựa đang cháy.” May mắn là các mùi này không kéo dài lâu. Tiến sĩ Dietrich cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra khoảng hai tháng, hầu hết các ảnh hưởng về mùi và chất lượng nước này đều mất đi. Mức độ các mùi biến mất nhanh như thế nào thì tùy thuộc vào lượng nước sử dụng. Khi một gia đình sử dụng càng nhiều nước thì các mùi sẽ mầt dần nhanh hơn".
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Dietrich đánh giá một số loại ống nhựa sau: nhựa cPVC (chlorinated polyvinyl chloride), nhựa HDPE (high-density polyethylene), nhựa PEX-aA và PEX-b.
“Chúng tôi phát hiện ra nhựa cPVC có mùi ít và dường như không tạo ra nhiều chất hóa học hữu cơ,” tiến sĩ Dietrich nói. “Nhựa HPDE thật sự tạo ra mùi rất nhiều mặc dù nó không tạo ra nhiều chất hữu cơ lắm. Ống PEX-b có lượng mùi vừa phải và lượng chất hóa học hữu cơ cũng vừa phải. Ống PEX-a tạo ra ít mùi và các chất hữu cơ hơn ống PEX-b.”
Hỏi về sở thích cá nhân trong việc dùng ống nhựa, tiến sĩ Dietrich đáp: “Các chất liệu sẽ hợp theo từng vùng do sự khác nhau về chất lượng nước từ vùng này đến vùng khác.”
Thanh Vân