Các nhà khảo cổ học ở Peru đã khai quật một xác ướp cổ, có niên đại 1.000 năm trước đây tại một địa điểm khảo cổ ở thủ đô Lima của nước này.
Hiện trường khai quật xác ướp cổ, gần 1.000 năm tuổi ở Peru. (Nguồn: Reuters).
Ngày 6/9, phát biểu với báo giới, trưởng nhóm khảo cổ Mirella Ganoza cho biết, xác ướp trên được phát hiện tại địa điểm khảo cổ Huaca Pucllana tại trung tâm quận Miraflores sầm uất ở Lima, cùng một số đồ vật như bình gốm và vải dệt.
Bà Ganoza cho biết, xác ướp được đặt trong một phòng mộ khá nông, bên cạnh là những vật dụng quan trọng: hai chiếc bình gốm và một tấm vải bọc các vật phẩm kim loại. Điểm đặc biệt khiến các nhà khảo cổ bất ngờ đó là mái tóc và hàm răng của xác ướp vẫn còn nguyên vẹn. Xác ướp với mái tóc dài màu nâu cho thấy quy trình ướp xác tinh vi và kỹ lưỡng của văn hóa Ychsma, mặc dù giới tính vẫn là một ẩn số.
Nền văn minh này vốn phát triển ở khu vực bờ biển miền Trung Peru ngày nay, trước khi đế chế Inca xuất hiện ở khu vực này.
Trước đó, cũng tại khu di chỉ Huaca Pucllana, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều xác ướp và đồ cúng tế, khiến họ tin rằng nơi đây còn nhiều hiện vật có giá trị khoa học chưa được khai quật.
Vào thời điểm đó, người Ychsma sống ở khu vực này được cho là đã xây dựng ít nhất 16 kim tự tháp và thống trị bờ biển miền Trung của Peru cho tới khi Đế quốc Inca trỗi dậy.
Còn khu di chỉ khảo cổ xây vào khoảng năm 500 sau Công nguyên, nằm ở trung tâm Miraflores.
Peru là quê hương của nhiều nền văn hóa thời kỳ tiền Colombo (thời kỳ trước khi tìm ra châu Mỹ), phát triển mạnh trong nhiều thế kỷ trước khi đế chế Inca thống trị các khu vực dọc bờ biển miền Trung và vùng núi Andes ở nước này.
Theo các chuyên gia, thủ đô Lima, với dân số khoảng 10 triệu người, có khoảng 400 địa điểm khảo cổ nằm rải rác ở các khu dân cư.
Huaca Pucllana, một công trình lịch sử với những bức tường gạch đất nung chứa đựng nhiều bí mật của ba văn hóa: Lima, Wari và cuối cùng là Ychsma. Khu vực này đã trải qua 3 thời kỳ sinh sống trong kỷ nguyên trước khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược.
|