Máy thở là thiết bị đưa không khí có thể thở được vào và ra khỏi phổi, tăng nhịp thở cho bệnh nhân không thể thở được hoặc thở không đủ.
Những điều cần biết về máy thở xâm lấn và không xâm lấn
Máy thở không xâm lấn là gì?
Máy thở không xâm lấn thực tế là máy thở hỗ trợ thở máy không xâm lấn. Thở máy không xâm lấn (NIPPV) bao gồm: Thở máy hai mức áp lực dương (BiPAP) và Thở máy áp lực dương liên tục (CPAP).
CPAP (Continuous Positive Airway Pressure) là cài đặt một áp lực trong suốt thời kỳ thở vào và thở ra để làm thông những đường thở nhỏ và giữ các phế nang không bị xẹp cuối kỳ thở ra nhằm mục đích chống lại xẹp đường thở và phế nang do ứ dịch; Tăng cường trao đổi khí; Di chuyển dịch ở trong phế nang vào trong mạch máu; Làm giảm công thở của bệnh nhân.
CPAP giúp bệnh nhân tự thở, máy thổi một dòng khí vào phổi bệnh nhân tạo ra áp lực dương liên tục trên đường thở.
BiPAP (Bilevel Positive Airway Pressure) bao gồm: IPAP: áp lực dương thở vào, tương đương với PSV và EPAP: áp lực dương thở ra, tương đương với PEEP
BiPAP là chế độ thở hỗ trợ hô hấp với 2 mức áp lực đường thở: thì hít vào (IPAP) và thở ra (EPAP). Được thiết kế kèm chức năng Auto-Trak và IPAP Rise-Time để tạo hiệu quả thông khí tối ưu.
Máy thở không xâm lấn. (Ảnh: EMRA).
Khi nào sử dụng máy thở không xâm lấn?
Thở máy không xâm lấn (NIPPV - Noninvasive Positive Pressure Ventilation) là phương thức thở mà bệnh nhân thở tự nhiên nhưng bị áp đặt một áp lực dương liên tục (CPAP) hay áp lực dương hai mức (BiPAP) trong suốt chu kỳ hô hấp.
Khi áp dụng chế độ thở này bắt buộc bệnh nhân phải tỉnh táo và cơ hô hấp còn hoạt động được và tránh được phải dùng mode thở xâm lấn mà gây nhiều biến chứng và tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Máy thở xâm lấn là gì?
Máy thở xâm lấn là hình thức thông khí nhân tạo qua nội khí quản hoặc canun mở khí quản, phương thức thông khí xâm lấn trong đó bệnh nhân thở máy với thể tích lưu thông được đặt trước, tần số thở theo tần số tự thở của bệnh nhân.
Phương thức này kiểm soát được thể tích lưu thông của bệnh nhân nhưng không kiểm soát chặt chẽ được thông khí phút và áp lực đường thở sẽ thay đổi tùy theo tình trạng cơhọc phổi. Khi sử dụng phương thức này, bệnh nhân không cần ngừng thở hoàn toàn, do đó không cần sử dụng thuốc giãn cơ.
Bệnh nhân đang sử dụng máy thở xâm lấn. (Ảnh: IMT).
Khi nào sử dụng máy thở xâm lấn?
Máy thở xâm lấn được chỉ định trong hầu hết các suy hô hấp cấp, trừ các trường hợp cần thông khí theo phương thức giảm thông khí phế nang điều khiển.
Ngoài ra, máy còn được sử dụng khi bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp do chấn thương đụng dập phổi, do đuối nước, do hít…
Bệnh nhân bị giảm thông khí phế nang do bệnh lý thần kinh cơ, bệnh lý thần kinh trung ương, ngộ độc cũng có thể sử dụng máy này.
Bên cạnh đó còn một số trường hợp máy thở xâm lấn được sử dụng như đợt cấp của suy hô hấp mạn tính hay sau cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Cách dùng của máy trợ thở không xâm lấn và máy thở xâm lấn
Máy trợ thở là máy hỗ trợ hô hấp đơn giản, có thể dùng ở nhà, còn máy thở cấu tạo phức tạp hơn, thường dùng trong trường hợp bệnh nhân nặng, mất khả năng hô hấp.
Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, máy trợ thở là máy hỗ trợ hô hấp đơn giản cho những bệnh nhân có vấn đề về đường thở. Máy này thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân bị béo phì, hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Cấu tạo và cách vận hành của máy trợ thở đơn giản nên có thể tự sử dụng tại nhà mà không cần những thiết bị bổ trợ hoặc đào tạo chuyên sâu. Còn máy thở là máy hỗ trợ hô hấp được dùng trong bệnh viện, có cấu tạo phức tạp, nhiều tính năng để có thể hỗ trợ cho các bệnh nhân mất khả năng hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân tổn thương phổi nặng. Sử dụng máy thở chuyên dụng cần có các thiết bị bổ trợ như oxy, khí nén và người sử dụng phải được đào tạo chuyên sâu về sử dụng máy thở, do đó chỉ được sử dụng trong bệnh viện bởi người được đào tạo chuyên sâu và dùng cho những bệnh lý phức tạp.
Máy trợ thở dễ bị lây nhiễm virus corona?
Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hiện rất nhiều người nhầm lẫn giữa máy thở và máy trợ thở. Theo bác sĩ Phúc, máy thở là máy đẩy không khí vào phổi, sau đó người bệnh thở ra, không khí luôn nằm trong một ống kín, luồng khí vào và khí ra luôn được lọc các tác nhân gây bệnh trong đó có virus.
Còn với cả hai phiên bản máy trợ thở hiện nay, là phiên bản máy ở bệnh viện và máy sử dụng tại nhà, đều sử dụng nguyên ly tạo áp suất cao để đẩy không khí vào đường thở, thường là thông qua mặt nạ trùm lên mũi. Máy áp lực đường thở dương liên tục, được gọi là CPAP, cung cấp luồng không khí liên tục ở áp suất không đổi.
"Một số loại máy khác tiên tiến hơn, có thể tăng áp suất để đẩy không khí vào, nhưng sau đó giảm áp suất để cho phép không khí được thở ra", bác sĩ Phúc nói.
Bệnh nhân mắc Covid-19 cần chú ý khi dùng máy thở, máy trợ thở
Bác sĩ Phúc cho biết thêm, máy trợ thở cũng lọc không khí vào và ra, lọc hết tác nhân gây bệnh, trong đó có virus. Tuy nhiên, máy trợ thở kết nối với bệnh nhân bằng mặt nạ úp lên mũi, nó không đảm bảo đủ kín, virus có thể bơm vào môi trường xung quanh, làm cho bệnh nhân khác bị nhiễm virus, nhân viên y tế cũng có thể bị nhiễm.
"Máy trợ thở sẽ đưa đến mũi của bệnh nhân một luồng không khí đủ oxy với áp lực cao. Người bệnh cũng phải thở ra với một áp lực cao tương ứng theo máy, trong khi mặt nạ chùm lên mũi không chắc chắn đảm bảo kín (do sự gồ ghề của khuôn mặt, do bệnh nhân móm, do rách mặt nạ).
Điều này làm cho virus dễ phát tán ra môi trường bên ngoài, có thể gây tình trạng lây nhiễm chéo, đặc biệt là nguy cơ nhiễm bệnh cho nhân viên y tế. Trong trường hợp này, rõ ràng SARS-CoV-2 rất dễ lây lan", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Bác sĩ Phúc khuyến cáo, để hạn chế lây nhiễm chéo, bệnh nhân Covid-19 khi dùng máy trợ thở, cần thiết phải nằm trong buồng điều trị áp lực âm đồng thời tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Đó cũng là lý do vì sao chuyên gia ưu tiên sử dụng máy thở như là phương tiện chính điều trị cho các bệnh nhân.