Cách phân biệt rắn độc và rắn không độc

  •   4,412
  • 49.569

Cách phân biệt rắn độc và rắn không độc sau đây được dựa theo kinh nghiệm của nhiều người và từ việc tổng hợp các đặc điểm của rắn độc. Các bạn có thể coi đây là những thông tin tham khảo.

Dựa vào biểu hiện khi rắn gặp con người

  • Thấy người cố gắng bò đi thật nhanh thì phần nhiều là rắn không độc.
  • Thấy người rắn thu người lại thủ thế phình mang hoặc bò đi đủng đỉnh thì phần nhiều là rắn độc.

Dấu hiệu nhận biết rắn độc và rắn không độc

Mắt rắn

Mắt rắn
Rắn không độc thường có con ngươi tròn, trong khi rắn độc thì con ngươi sọc dọc.

Chính xác hơn thì là con ngươi. Những loài rắn không độc thường có con ngươi tròn, trong khi rắn độc thì con ngươi sọc dọc. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, khi con ngươi của một số loài rắn kịch độc như mamba đen (châu Phi), rắn hổ (Trung Đông, châu Á, châu Phi), và rắn taipan của Úc lại có hình tròn.

Ngoài ra, một số loài rắn dù không độc nhưng lại có khả năng thay đổi hình dạng con ngươi tùy theo tình huống nguy hiểm hay không. Vậy nên, nếu thấy tròng mắt của một con rắn có hình tròn thì cũng đừng vội tiếp cận nó. Hãy xem các đặc điểm khác nữa.

Mũi rắn

Mũi rắn
Với rắn độc, ở khoảng giữa mắt và lỗ mũi của chúng sẽ có cái hốc nhỏ.

Với các loài rắn độc, ở khoảng giữa mắt và lỗ mũi của chúng sẽ có cái hốc nhỏ. Đó là lỗ cảm nhận nhiệt, cho phép chúng xác định vị trí của con mồi.

Đuôi rắn

Đuôi rắn
Vảy đuôi của rắn độc thường được phân thành từng hàng riêng lẻ.

Vảy đuôi của rắn độc thường được phân thành từng hàng riêng lẻ, trong khi rắn không độc sẽ có một đường chia thành 2 cột vảy xen kẽ nhau.

Đầu rắn

Về bề ngoài rắn độc và rắn không độc không có sự khác biệt hoàn toàn.

Rắn hổ mang có độc.
Rắn hổ mang có độc.

Thông thường đầu của rắn độc khá lớn, có hình tam giác, cổ nhỏ, đuôi ngắn, đoạn đuôi từ sau hậu môn nhỏ thót lại, hoa văn hiện rõ.

Đầu của rắn không độc tương đối nhỏ, có hình bầu dục, đuôi dài, đoạn đuôi phía sau hậu môn nhỏ dần.

Đầu của rắn độc như rắn 5 bước (ngũ bộ xà), rắn lao, rắn bàn là, rắn lục, rắn cạp nong... đều là hình tam giác, nhưng cũng có một số rắn độc rất ghê gớm, như đầu của rắn cạp nong, cạp nia và các loài rắn biển thì đầu của chúng gần giống như đầu của rắn không độc.

Rắn cạp nong cực độc nhưng đầu lại có hình dạng giống loài rắn không độc.
Rắn cạp nong cực độc nhưng đầu lại có hình dạng giống loài rắn không độc.

Trong số rắn không độc, cũng có một số ít loại có đầu hình tam giác, ví dụ như rắn có hình lăng trụ, vì nó rất giống rắn lao, do vậy cũng có người gọi nó là rắn lao giả.

Màu sắc, họa tiết trên da rắn

Rắn độc thường có màu nổi bật, và có thể phát ra những tiếng rít rất đặc trưng (giống như âm thanh của rắn đuôi chuông). Dĩ nhiên cũng có vài ngoại lệ, nhưng thường là như vậy.

Ngoài ra, nếu trên da rắn có những vân họa tiết hình kim cương, hoặc có từ 3 màu trở lên, đó nhiều khả năng là một con rắn độc.

Đối với rắn nước

Rắn nước

Rắn nước cũng có con độc con không. Rắn nước độc, chúng thường bơi theo kiểu nổi toàn thân, còn rắn không độc thì chỉ nổi đầu, thân mình giấu dưới mặt nước.

Dựa vào răng nanh, vết cắn

Rắn có răng độc thì chắc chắn là rắn độc.

Răng độc có hai loại: một là răng móc câu, trên răng có một rãnh dẫn nọc độc, có loài rắn răng này mọc ở phía trước của xương hàm trên, khi chúng há miệng to thì có thể nhìn thấy, loại răng này được gọi là răng hàm trước.

Rắn độc có răng rãnh trước này thường có độc tính tương đối mạnh, ví dụ như rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn cạp nia, các loại rắn biển….

Có loài rắn có răng rãnh độc mọc ở phía sau của xương hàm trên, gọi là răng rãnh sau, ví dụ như rắn bùn, rắn thuỷ bào..., những rắn độc có loại răng độc này, độc tính yếu hơn nên khi bị loại rắn này cắn thường là không bị chết.

Rắn độc có răng rãnh trước này thường có độc tính tương đối mạnh.
Rắn độc có răng rãnh trước này thường có độc tính tương đối mạnh.

Loại răng độc thứ hai là răng ống, gồm một đôi răng dài hơi cong, đầu nhọn rất nhỏ, giống như đầu của kim thêu hoa, bên trong răng là rỗng cũng giống như chiếc ống vậy, cho nên gọi là răng ống. Phần gốc của răng ống thông với ống dẫn của tuyến độc, nó giống như răng rãnh, khi cắn người, cơ ở phía ngoài tuyến độc co lại, ép dịch độc ở bên trong vào đường ống của răng độc, rồi chích vào trong cơ thể người, dịch độc theo máu toả ra khắp cơ thể người sẽ làm cho người bị trúng độc. Răng độc của rắn lao, rắn năm bước, rắn lục và rắn bàn là... đều là răng ống.

Vì vậy, khi bị rắn cắn, có thể căn cứ vào vết răng để phân biệt bị loại rắn độc cắn hay là rắn không độc cắn, nếu là rắn độc thì nhất định có một vết răng hoặc hai vết răng của răng độc, còn nếu là rắn không độc cắn thì chỉ có hai hàng răng nhỏ li ti.

Nếu là rắn độc thì nhất định có một vết răng hoặc hai vết răng của răng độc.
Nếu là rắn độc thì nhất định có một vết răng hoặc hai vết răng của răng độc.

Dấu hiệu bị rắn độc cắn là gì?

Triệu chứng khi bị rắn độc cắn bao gồm:

  • Vết cắn gây đau.
  • Tại vết cắn bị sưng, tấy đỏ và bầm tím, lan ra xung quanh vết bị rắn cắn.
  • Buồn nôn, tiếp theo là nôn mửa.
  • Có thể có tiêu chảy.
  • Nổi các cục u ngứa trên da (phát ban hoặc mề đay).
  • Sưng môi, lưỡi và nướu.
  • Khó thở hay thở khò khè, tương tự như bệnh hen suyễn.
  • Tinh thần lú lẫn, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Nhịp tim không đều.

Nếu bị nhóm rắn hổ cắn: Các loại rắn như hổ mang, rắn ráo… (loại Colubridae) có độc tố thần kinh. Chỗ rắn cắn sẽ bị đau, chân sẽ bị tê bại, mệt mỏi cao độ, buồn ngủ, muốn ngất, nấc, nôn, rối loạn cơ tròn…

Tại vết cắn thấy đau buốt, nhìn thấy vết răng (1 hoặc 2 vết răng), phù nề xung quanh vết cắn, chảy máu, hoại tử tại chỗ cắn ngay. Mạch yếu, huyết áp hạ, khó thở, hôn mê... rồi tử vong sau 6 giờ.

Triệu chứng của rắn lục cắn: Rắn lục (loại Vipéridae) có độc tố gây xuất huyết. Toàn chi bị rắn cắn đau dữ dội, da đỏ bầm, có những đám xuất huyết, chỗ bị rắn cắn sẽ bị phù (sau dễ bị hoại tử). Sau 30 phút tới 1 giờ sẽ bị nôn, đi ngoài phân lỏng, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, ngất xỉu...

Ngoài ra, khi bị rắn lục cắn sẽ gây chảy máu rất nhiều, đến mức bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài ra máu, nếu nhận biết đúng là rắn lục cắn và được sử dụng kháng huyết thanh ngay khi vừa vào viện, chỉ cần dùng khoảng 10 lọ huyết thanh là người bệnh không còn tình trạng chảy máu ồ ạt nữa.

Nhóm rắn cạp nia sau cắn bao giờ người bệnh cũng thấy đau rát họng, khó há miệng, chân tay không nhấc lên được, sau dần mới dẫn đến liệt cơ chi, liệt cơ hô hấp gây khó thở, suy hô hấp cấp…

Nếu bị rắn hổ chúa cắn thì nạn nhân sẽ rất đau, có phù nề tại chỗ cắn, nhưng không thấy hoại tử, nạn nhân thường bị liệt hô hấp và liệt chi.

Rắn biển cắn thì các triệu chứng bị liệt sẽ giống như các loại rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia cắn, bệnh nhân sẽ bị liệt cơ, tan máu…

Phải làm gì khi bị rắn cắn

Cách xử lý khi bị rắn độc cắn

Rắn độc cắn sẽ rất đau, vết cắn sẽ nhanh chóng sưng lên. Bạn cũng sẽ sớm cảm thấy khó thở, buồn nôn, huyết áp tăng, cơ bắp lịm dần, cơ thể gây sốt.

Khi bị rắn độc cắn, việc đầu tiên bạn cần làm là đến cơ sở y tế gần nhất để lấy thuốc giải (nhớ mang theo con rắn hoặc ảnh chụp con rắn để các y bác sĩ nhận định dễ hơn). Lưu ý: không hút độc ra, vì điều đó sẽ khiến các mô xung quanh bị tổn thương còn nhiều hơn là không hút.

Trong lúc chờ đợi bác sĩ, hãy hạn chế vận động để nọc độc không lan ra nhanh hơn.

Cập nhật: 21/11/2024 Theo infornet/znews
  • 4,412
  • 49.569