Phân chim có tác dụng gì mà có thể khiến một quốc gia trở nên giàu mạnh, nhưng cũng vì thế mà đi vào khủng hoảng?

Khi nói đến các quốc gia giàu có nhất, chắc hẳn điều đầu tiên mà mọi người nghĩ đến là các quốc gia Trung Đông - phát triển từ dầu mỏ. Nhưng Nauru lại hoàn toàn khác, đây là quốc đảo nhỏ nhất trên Thái Bình Dương và đã từng giàu có tới mức đủ để cạnh tranh với Ả Rập Saudi.

Mặc dù diện tích đất chỉ là 21 km vuông, nhưng Nauru đã trở nên giàu có chỉ sau một đêm bằng cách bán "phân chim".


Cộng hòa Nauru là một đảo quốc tại Micronesia thuộc Nam Thái Bình Dương. Với 9.378 cư dân sống trên một diện tích 21 km vuông, Nauru là quốc gia nhỏ nhất tại Nam Thái Bình Dương, nhỏ thứ ba trên thế giới về diện tích, chỉ sau Thành Vatican và Công quốc Monaco.


Nauru còn là nước cộng hòa có diện tích nhỏ nhất trên thế giới.

Theo tờ Financial Times, Nauru từng là một trong những quốc gia giàu có nhờ trữ lượng phốt phát dồi dào được tạo thành từ phân chim. Phân chim tích tụ từ nhiều thế kỷ trước trên hòn đảo này. Phốt phát là thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón.

Hòn đảo nhỏ bé nằm ở Nam Thái Bình Dương này từng là thuộc địa của Đức trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau đó được quản lý bởi Úc, Anh và New Zealand cho đến khi giành được độc lập vào năm 1968.

Nền kinh tế của Nauru phát triển đạt đỉnh vào năm 1975 nhờ doanh thu từ khai thác phốt phát, khi đó GDP bình quân đầu người của hòn đảo này ước tính khoảng 50.000 USD, chỉ đứng sau Ả Rập Xê Út.

Tuy nhiên, sự giàu có của quốc gia này chỉ kéo dài trong vài thập kỷ, sau đó Nauru trở lại với hoàn cảnh nghèo đói và mọi thứ mà quốc đảo này trải qua dường như giống với một giấc mơ. Hiện tại, Nauru lại trở thành một trung tâm rửa tiền bất hợp pháp, thiên đường thuế và giống như một trại tị nạn cho thế giới ngầm. Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra với quốc đảo nhỏ này?

Trước khi trở nên giàu có, Nauru đã phải chịu rất nhiều phiền toái liên quan tới phân chim. Người Micronesia và người Polynesia là những dân tộc đầu tiên sinh sống tại Nauru, ít nhất là từ 3.000 năm trước.

Theo truyền thống, có 12 thị tộc hay bộ tộc tại Nauru, được đại diện bằng một sao 12 cánh trên quốc kỳ. Cũng theo truyền thống, người Nauru truy nguồn gốc của họ dựa trên mẫu hệ. Các cư dân trên đảo làm nghề nuôi trồng thủy sản: họ bắt cá ibija còn nhỏ, cho chúng thích nghi với môi trường nước ngọt, chúng cung cấp cho người dân trên đảo một nguồn thực phẩm ổn định.


Chiến binh người Nauru, 1880.

Vào ngày 8/11/1798, một con tàu của Anh tên là "Thợ săn tuyết" đã lần đầu tiên phát hiện ra hòn đảo này trong chuyến đi của mình. Mặc dù các thủy thủ không rời đi, nhưng thuyền trưởng người Anh - John Fearn, một thợ săn cá voi, trở thành người phương Tây đầu tiên đặt chân đến Nauru, những cây cọ và bãi biển đung đưa trên đảo khiến cho ông có cảm giác rất yên bình và Nauru được đặt tên là "Pleasant" - "Dễ chịu".

Từ khoảng năm 1830, người Nauru có tiếp xúc với người Âu do các tàu đánh bắt cá voi và các thương nhân bổ sung nguồn dự trữ của họ (đặc biệt là nước ngọt) tại Nauru. Khoảng thời gian này, những người đào tẩu từ các tàu châu Âu bắt đầu đến sống tại đảo.

Người dân trên đảo trao đổi thực phẩm lấy rượu dừa và các loại súng cầm tay.Các loại súng cầm tay được sử dụng trong Chiến tranh bộ tộc Nauru bắt đầu từ năm 1878 và kéo dài 10 năm.

Tuy nhiên, vì không tìm thấy nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa lý của nơi này cũng không có giá trị chiến lược nên Nauru đã không trở thành thuộc địa của bất cứ quốc gia nào cho đến những năm 1888, Nauru bị Đức thôn tính và được hợp nhất vào Lãnh thổ bảo hộ Quần đảo Marshall thuộc Đức.

Vào thời điểm đó, chính phủ Đức chỉ ủy quyền cho một công ty thương mại mua thịt dừa khô nên Nauru vẫn "sống sót" qua sự hối hả của thế kỷ 19 mà không gặp vấn đề gì, môi trường tự nhiên của quốc đảo này cũng được bảo tồn tương đối tốt.

Người ta thường nói, trước khi cơn bão ập tới bầu trời sẽ trong xanh, biển lặng và khung cảnh dường như đẹp hơn bao giờ hết, và với Nauru cũng vậy, đây mới chỉ là sự bắt đầu, sự yên bình trước khi cơn bão ập tới.


"Hóa thạch gỗ" mà Albert Fuller Ellis đã tìm thấy ở Nauru.

Vào năm 1899, nhà thăm dò địa chất người Anh - Albert Fuller Ellis đã tìm thấy một "hóa thạch gỗ" từ Nauru trong văn phòng của mình tại Sydney. Khi kiểm tra, ông phát hiện ra rằng đây là loại đá phốt phát có chất lượng cực kỳ tốt. Lúc đó ông nghĩ, nếu có thể tìm được nguồn khai thác ổn định thì đó sẽ là khu mỏ khiến cho ông kiếm được bộn tiền.

Kết quả là vào năm 1901, Ellis đã đặt chân lên đảo Nauru và cảm thấy vô cùng choáng váng khi phát hiện 80% các loại đá trên quốc đảo này đều rất giàu phốt phát.

Công ty Phosphat Thái Bình Dương bắt đầu khai thác tài nguyên này vào năm 1906 theo thỏa thuận với Đức, xuất khẩu lô hàng phốt phát đầu tiên vào năm 1907. Trong mười năm khi các mỏ khoáng sản lần đầu tiên được phát hiện, Nauru đã xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn phốt phát.

Năm 1914, sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, quân Úc chiếm Nauru. Úc, New Zealand và Anh Quốc ký Hiệp định đảo Nauru vào năm 1919, lập ra một ủy ban gọi là Ủy ban phốt phát Anh Quốc, thể chế này tiếp quản quyền khai mỏ phốt phát.


Nguồn gốc của phốt phát đến từ việc những con chim đặc biệt thích đi vệ sinh trên hòn đảo này.

Vậy tại sao hòn đảo nhỏ này giàu tài nguyên đá phốt phát đến vậy? Lý do rất đơn giản, nguồn gốc của chúng đến từ việc những con chim đặc biệt thích đi vệ sinh trên hòn đảo này.

Đảo Nauru đã là hòn đảo duy nhất trên biển trong phạm vi 300 km vuông, do đó, ngoại trừ Nauru, về cơ bản không có vùng đất nào khác trên Thái Bình Dương để chim biển có thể nghỉ ngơi. Kết quả là, vô số loài chim biển đã tập trung trên đảo Nauru để nghỉ ngơi và phát triển mạnh, đi theo đó là cả phân của chúng.


Chim biển đã tập trung trên đảo Nauru để nghỉ ngơi và phát triển đi theo đó là cả phân của chúng.

Theo thời gian, những đống phân chim này tạo thành một lớp bao phủ rất dày và cứng. mặc dù phân chim rất dễ bị cuốn đi ra biển bởi nước và những cơn mưa, tuy nhiên Nauru lại có một vị trí hết sức đặc biệt.

Trong môi trường nhiệt độ cao của xích đạo, muối organophospho trong phân chim có thể nhanh chóng bị phân hủy và để lại lượng phốt phát phong phú. Dưới tác dụng của những mạch nước ngầm, kiềm và phốt phát được hòa tan rồi phản ứng với canxi cacbonat (canxi cacbonat thường có trữ lượng rất cao ở các đảo rạn san hô) và nhiều loại apatit khác nhau khiến cho đá trên hòn đảo này có trữ lượng phốt phát cực kì cao.

Đây cũng thường được gọi là "đá guano phosphate" - một sản phẩm độc đáo của bờ biển hoặc hòn đảo nơi tập trung nhiều loài chim biển. Và bạn có thể nói rằng Nauru là một hòn đảo mọc trên phân chim thì cũng không hoàn toàn sai.


Nói Nauru là một hòn đảo mọc trên phân chim thì cũng không hoàn toàn sai.

Không giống như quặng phốt phát thông thường, quặng guano phosphate có tỷ lệ hàm lượng phốt pho cực cao, và vì nó nằm gần mặt đất nên so với các loại quặng khác, chúng có kết cấu mềm và dễ khai thác. Bởi vậy có thể nói, những quặng guano phosphate này đã viết lại số phận của người Nauru.

Vào thời điểm sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, quân Úc chiếm Nauru. Úc, New Zealand và Anh Quốc ký Hiệp định đảo Nauru vào năm 1919, lập ra một ủy ban gọi là Ủy ban phốt phát Anh Quốc, thể chế này tiếp quản quyền khai mỏ phốt phát.


Vào thời điểm sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, quân Úc chiếm Nauru.

Nauru trải qua một đại dịch cúm vào năm 1920, với tỷ lệ tử vong là 18 phần trăm trong số người Nauru bản địa. Năm 1923, Hội Quốc Liên trao cho Úc quyền quản trị ủy thác đối với Nauru, với Anh Quốc và New Zealand là đồng quản trị. Ngày 6 và 7/12/1940, các tuần dương hạm phụ trợ Komet và Orion của Đức đánh đắm năm tàu tiếp tế tại vùng biển lân cận Nauru. Komet sau đó nã pháo vào các khu vực khai mỏ phosphat, kho chứa dầu, dầm chìa bốc hàng lên tàu trên đảo.

Năm 1942, người Nhật xâm chiếm Nauru và hàng ngàn binh lính Nhật đã đóng quân trên đảo. Mặc dù việc khai thác phốt phát đã chấm dứt, nhưng quân đội Nhật Bản đã bắt đầu đàn áp và xử tử những người Naurus ngay khi họ hạ cánh.

Vào thời điểm đó, 1.200 công nhân Nauru bị trục xuất đến quần đảo Chuuk, và gần một nửa trong số đó bị bỏ đói, lạm dụng và bắt làm nô lệ cho đến chết. Vào cuối Thế chiến II năm 1945, chỉ còn chưa tới 600 người Nauru bản địa tại Chuuk.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Liên Hiệp Quốc thiết lập một chế độ ủy thác tại Nauru, với Úc, New Zealand, và Anh Quốc là các ủy viên quản trị. Việc khai thác tài nguyên cũng ngay lập tức được phục hồi.

Đến năm 1968, hơn 35 triệu tấn phốt phát đã được gửi đến những vùng đất màu mỡ ở các quốc gia như Úc và New Zealand.

Tuy nhiên, trong thời gian này, Nauru cũng dần nhận ra tầm quan trọng của đá phốt phát. Cuối cùng, sau một loạt các hoạt động, Nauru cũng đã đã giành được độc lập vào năm 1968.


Cờ Cộng hòa Nauru.

Trên thực tế, tại thời điểm độc lập này, điều kiện tự nhiên của hai phần ba diện tích đá phốt phát trên đảo vẫn còn ở mức trước khi khai thác.

Trong năm đầu tiên phục hồi quyền khoáng sản phốt phát, khối lượng quặng khai thác của Nauru đã vượt quá tổng sản lượng của thời thực dân Đức. Dựa vào tài nguyên khoáng sản phong phú, Nauru có thể được cho là giàu lên nhanh chóng chỉ qua đêm và lọt vào danh sách những quốc gia giàu nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của Nauru cũng đứng thứ hai trên thế giới trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ sau Ả Rập Saudi, vốn dựa trên dầu mỏ.


GDP bình quân đầu người của Nauru cũng đứng thứ hai trên thế giới trong một khoảng thời gian ngắn.

Mặc dù không phải ai cũng giàu có, nhưng mỗi người Nauruan đều được hỗ trợ bởi rất nhiều chính sách lợi ích của chính phủ, họ có bảo hiểm y tế, nhà ở và giáo dục miễn phí cũng như không bao giờ phải đóng thuế.

Và với số tiền này, Nauru đã bước vào một thể giới chỉ có ăn chơi và hưởng thụ. Người dân của Naurus dành phần lớn thời gian của họ để giải trí và không phải lo nghĩ đến vấn đề làm việc.


Năm 1982, New York Times đưa tin rằng Nauru là nơi giàu nhất thế giới.

Năm 1980, chỉ có 2.156 trong số 7.000 người Nauru được tuyển dụng và hơn 90% trong số họ là công chức phục vụ chính phủ. Và người Nauru về cơ bản đã đánh mất việc làm của chính mình cho những công nhân nước ngoài.

Hơn nữa, việc khai thác quá mức dẫn đến nguồn tài nguyên phosphate cạn kiệt, tài chính đất nước bắt đầu lao dốc. Nhà kinh tế học người Úc Helen Hughes ước tính rằng từ năm 1968 đến 2002, quặng phốt phát đã mang lại 3,6 tỷ đô la Úc cho Nauru với lợi nhuận 1,8 tỷ đô la Úc. Nếu được đầu tư đúng mức, giá trị của quỹ ủy thác năm 2004 sẽ vượt quá 8 tỷ đô la Úc và một gia đình Nauru trung bình sẽ nhận được thu nhập 4 triệu đô la Úc. Trên thực tế, quỹ tín thác của Nauru đã giảm xuống còn 30 triệu đô la trong năm 2004.

Ngoài ra, chính phủ Nauruan cũng tham nhũng và hết sức "ăn chơi". Họ đã mua tàu du lịch, máy bay và một số lượng lớn khách sạn ở nước ngoài để phục vụ cho những cuộc ăn chơi giải trí.

Năm 2016, tác giả Jonathan Liew từng viết trên Telegraph: “Đến cuối thế kỷ, Nauru đã gần như phá sản. Toàn bộ trung tâm hòn đảo đã bị tàn phá bởi việc khai thác dải (hình thức khai thác bằng máy đào theo tuyến). Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 90%. Nạn tham nhũng và rửa tiền trở nên thối nát. Biến đổi khí hậu đang phá hoại ngành công nghiệp đánh cá”.

Câu chuyện của Nauru đúc rút cho chúng ta bài học gì?

Câu chuyện từ một đất nước nghèo khổ đến khi trở nên giàu có và lại quay về cảnh khốn khó của Nauru là một bài học rất lớn cho những nước khác về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không có kế hoạch.

Đó là thay vì tìm kiếm sự phát triển đột phá, chúng ta nên quan tâm hơn đến phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường, không lãng phí. Một đất nước muốn phát triển bền vững về lâu về dài, ta buộc phải học cách bảo vệ và khai thác tài nguyênthiên nhiên một cách khoa học.

Cập nhật: 21/04/2022 Tổng Hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video