Thay vì phân thành hai tuýp, các nhà khoa học châu Âu phát hiện tiểu đường gồm 5 nhóm khác nhau.
Tiểu đường vốn được chia ra hai loại là tuýp một và tuýp hai. Tuy nhiên, phân loại nhóm bệnh có thể thay đổi sau khi các nhà khoa học châu Âu công bố nghiên cứu từ 14.775 bệnh nhân.
Có thể chia bệnh nhân tiểu đường thành năm nhóm. (Ảnh: Biosphere Nutrition).
Cụ thể, trên tờ The Lancet Diabetes and Endocrinology, nhóm tác giả từ Trung tâm Tiểu đường Đại học Lund (Thụy Điển) và Viện Y học Phân tử (Phần Lan) cho rằng có thể chia bệnh nhân tiểu đường thành năm nhóm sau:
- Nhóm 1: Tiểu đường nặng do hệ miễn dịch tương tự tuýp 1, bệnh nhân mắc bệnh khi còn trẻ và khỏe mạnh, cơ thể mất khả năng sản xuất insulin.
- Nhóm 2: Gần giống nhóm một, bệnh nhân bị tiểu đường nặng khi còn trẻ, cân nặng ổn định và không thể sản xuất insulin nhưng nguyên nhân không đến từ hệ miễn dịch.
- Nhóm 3: Bệnh nhân tiểu đường nặng bị thừa cân, insulin vẫn được sản xuất song cơ thể không phản ứng.
- Nhóm 4: Bệnh nhân tiểu đường nhẹ, béo phì nhưng quá trình trao đổi chất gần với mức bình thường hơn nhóm 3.
- Nhóm 5: Bệnh nhân tiểu đường nhẹ do tuổi tác, xuất hiện triệu chứng khi đã già hơn các nhóm khác và có xu hướng ít nghiêm trọng hơn.
Trao đổi với BBC, giáo sư Leif Groop thuộc nhóm tác giả nhận định cách phân loại mới rất quan trọng, cho phép bác sĩ kê thuốc một cách chính xác hơn.
Hiện nay, trên thế giới, cứ mười một người trưởng thành thì có một bị tiểu đường. Căn bệnh này làm gia tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, mù, suy thận và hoại tử.
Bệnh tiểu đường là gì? Bệnh tiểu đường, theo y học còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp. Mắc bệnh tiểu đường có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim. Bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2, là nguyên nhân nhiều nhất gây mù lòa, chạy thận nhân tạo và đoạn chi ở bệnh nhân trên toàn thế giới. Song song đó, các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ do đái tháo đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. |