Bạn nhìn xuống khẩu súng, nhắm mục tiêu, thở ra từ từ và bóp cò. Ngay lập tức, một loạt sự kiện diễn ra: ánh sáng tóe lên, cơ thể bị giật lại đằng sau, một tiếng nổ chát chúa và mùi thuốc súng khét lẹt.
Trung tâm Nghiên cứu Pew đã thực hiện một cuộc điều tra với gần 4.000 người trong năm 2017, họ ghi nhận là có khoảng 72% người trưởng thành ở Mỹ đã từng sử dụng súng. Như vậy, hầu hết người Mỹ đều quen thuộc với trải nghiệm này - bao gồm những phản ứng cả về mặt tinh thần lẫn cảm xúc đi kèm.
Ông Kevin Fleming - nhà thần kinh học tại Trường Đại học Norwich (một trường về quân đội), người nghiên cứu về ảnh hưởng của việc bắn súng đến tâm lý người bắn trong hơn 25 năm nay, cho biết: "Mục đích của những khóa huấn luyện bắn súng chính là giúp cho mọi người vượt qua những cảm giác này, cho dù đó là một nhân viên cảnh sát tập sự hay sĩ quan quân đội".
Kinh nghiệm trong mỗi lần bắn sẽ khác nhau với mỗi người, đặc biệt khi có nguy hiểm thật sự, nhưng dưới đây là một vài phản ứng chung mà việc bắn súng gây ra cho bộ não và cơ thể.
Phản ứng stress cấp tính
Bắn một khẩu súng có thể khiến người ta sửng sốt. Những người lần đầu tiên trải qua kinh nghiệm này thường có phản ứng stress cấp tính. Cơ thể sẽ tự động nảy sinh ra nhiều phản ứng vì nó thấy bản thân đang bị đe dọa.
Bộ não giải phóng cortisol, adrenaline và các hormone khác như serotonin, dopamine, và norepinephrine. Điều này có thể khiến những người mới cảm thấy sợ hãi, lo lắng, hay muốn gây sự.
Bắn một khẩu súng có thể khiến người ta sửng sốt. (Ảnh: Shutterstock).
“Để bắn đi một viên đạn, bạn đứng trên mặt đất và sử dụng vũ khí để trợ giúp mình. Đây là một phần của việc “chiến đấu”. Trong lúc luyện tập, mục tiêu chỉ làm bằng giấy nhưng một số người xem nó như kẻ thù… Bóp cò chính là một hành động gây hấn”, ông Fleming nói.
Dù đã tập bắn hàng ngàn lần, nhưng ngay cả những tay súng giàu kinh nghiệm cũng phải cố gắng để kiểm soát phản ứng của cơ thể sau mỗi lần bắn. "Những khóa huấn luyện được thiết kế với mục đích chính yếu là phớt lờ những cảm xúc đó. Nhưng tôi không nghĩ là nó sẽ hoàn toàn biến mất".
Nhịp tim, huyết áp và hơi thở tăng lên
Phản ứng stress cấp tính giúp chúng ta sống sót trong những tình huống ngặt nghèo, lượng hormone tăng lên đột ngột cũng kích hoạt một loạt các phản ứng không kiểm soát được.
"Đây là phần di sản mà chúng ta được thừa kế từ loài linh trưởng. Vì vậy, mỗi khi bạn có ý định chạy trốn hay chiến đấu, hãy thở nhanh hơn để lấy đủ oxy cung cấp cho máu và bơm oxy đến các phần khác trong cơ thế", ông Fleming nói.
Vì lúc đó, tim bắt đầu vào cuộc đua, dạ dày co thắt, huyết áp tăng vọt và oxy dần dần di chuyển đến các cơ.
Tập trung tinh thần
Khi bóp cò súng, bộ não cũng bị ảnh hưởng bởi dòng chảy dồn dập của máu và các chất hóa học thần kinh. Bộ não trở nên tập trung hơn và có thể dễ dàng phân tích tình huống, thời gian dường như trôi chậm hơn (mặc dù sự thực không phải vậy).
Gan bàn tay đổ mồ hôi và đồng tử giãn nở
Đổ mồ hôi giúp bạn thu nhận thông tin tốt hơn. Và đôi mắt mở to khiến bạn có thể nhìn thấy được nhiều thứ hơn, đặc biệt là trong bóng tối.
Hệ thống tiêu hóa tạm dừng hoạt động
Lúc bạn bóp cò, cơ thể sẽ tạm ngừng xử lý thức ăn.
Lúc bạn bóp cò, cơ thể sẽ tạm ngừng xử lý thức ăn. “Dạ dày của bạn có thể gặp vấn đề nếu bạn đã lỡ ăn quá nhiều. Thậm chí bạn sẽ bị tiêu chảy hay gặp vấn đề với việc tiểu tiện”, ông Fleming cho biết.
Những phản ứng này thường không xảy ra cùng một lúc, nhưng thông thường nó diễn ra trước khi bộ não ý thức được, và lúc đó thì viên đạn đã được bắn ra.
Sau khi mối nguy hiểm đã qua, hệ thống thần kinh phản ứng lại bằng cách giải phóng tất cả các loại hóa chất để đưa cơ thể trở về trạng thái bình thường. Một số phần khác của cơ thể thì mất thời gian lâu hơn để hồi phục. Sau sự suy sụp tạm thời này, cơ thể sẽ cảm thấy hào hứng một cách mạnh mẽ, với một số người thì đó là cảm giác như nhận được “phần thưởng”.
"Sự tăng cao của serotonin sẽ khiến bạn thấy thoải mái. Có nhiều người không thích sợ hãi, nhưng với một số người thì cảm giác này đem lại cho họ sự phấn khích", Fleming nói. Tuy nhiên, Fleming lưu ý rằng hầu hết những tay súng chuyên nghiệp mà ông gặp - chủ yếu là các nhân viên cảnh sát hay sĩ quan quân đội không hề nghiện cảm giác này.
Ông nói: "Có thể một số người cảm thấy hồi hộp khi tiến đến gần mục tiêu. Nhưng hầu hết các chuyên gia tôi đã gặp đều không thích thú những cơn quá khích do việc bóp cò mang lại”.