Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Pháo đài Jesus tại Mombasa của Kenya là Di sản Văn hóa thế giới năm 2011.
Pháo đài Jesus ở thành phố Mombasa, Kenya được những người Bồ Đào Nha xây dựng trong khoảng thời gian từ 1593-1596. Pháo đài được được xây dựng dựa theo thiết kế của kiến trúc sư người Ý - Giovanni Battista Cairati. Cũng như hầu hết các pháo đài khác, mục đích xây dựng pháo đài Jesus là để bảo vệ cảng Mombasa.
Pháo đài Jesus tại Mombasa, Kenya
Có thể khẳng định pháo đài Jesus không chỉ là công trình có yếu tố lịch sử mà pháo đài này còn là một công trình kiến trúc điển hình về mô hình pháo đài quân sự của Bồ Đào Nha thế kỷ 16. Kiến trúc bên ngoài pháo đài được xây dựng theo kiến trúc thời kỳ Phục Hưng với tiêu chuẩn tỷ lệ cân đối hoàn hảo và sự hài hòa cao về mặt bố cục. Toàn bộ diện tích pháo đài gồm cả các con hào bao quanh khoảng 2,36 ha. Bên cạnh những yếu tố về lịch sử, thời gian, kiến trúc thì pháo đài Jesus còn là minh chứng rõ nét về các giá trị văn hóa đa dạng có sự ảnh hưởng giữa các dân tộc Châu Phi, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư và thậm chí cả Châu Âu.
Được xây dựng theo kiến trúc thời kỳ Phục Hưng xong pháo đài lại sử dụng cách xây truyền thống của người dân bản địa kết hợp với nguyên vật liệu địa phương như đá, san hô... đã tạo nên một diện mạo vô cùng ấn tượng cho pháo đài. Bên cạnh đó vị trí xây dựng trên nhánh một đảo san hô cũng góp phần tạo nên sức hút, ấn tượng mạnh cho kiến trúc này.
Mombasa là thành phố lớn thứ hai tại Kenya và cũng là thành phố cảng biển duy nhất tại quốc gia Đông Phi này. Nói đến Mombasa người ta nhớ đến thành phố trù phú, giàu có một vùng nhờ vị trí then chốt, giao thương giữa Ấn Độ, Oman và châu Âu. Cũng vì thế, những nếp tầng văn hóa cứ liên tiếp đan xen, chất lên nhau mà giao hòa trong khu phố cổ. Ngày nay, tuy thành phố này đã qua thời kỳ vàng song nhưng những dấu ấn một thời huy hoàng vẫn còn in đập trên từng bức tường, con phố và đặc biệt là Pháo đài Jesus.
Những bức tường thành vững chải của pháo đài soi bóng xuống lòng Ấn Độ Dương. Trong quá khứ, thuyền trưởng Vasco da Gama từng dừng bước nơi đây trước khi đến được Ấn Độ để mở ra con đường giao thương trên biển từ Âu sang Á. Phố cổ với nhiều nếp tầng văn hóa chồng chất giữa người Swahili, Ấn Độ, Oman và Bồ Đào Nha. Chợ gia vị với đủ màu sắc, hương thơm hàng trăm năm nay vẫn là trốn nhộn nhịp, thu hút. Cũng từ đây, từng đoàn thuyền lớn ra khơi mang theo hương thơm của ớt, tỏi, quế... lan sang khắp bốn biển.
Pháo đài Jesus tại Mombasa được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (ii), (iv).
Tiêu chí (ii): Pháo đài được xây dựng trong thời kỳ hưng thịnh của thành phố Mombasa. Thời điểm đó Mombasa là trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại mới nổi của khu vực. Pháo đài Jesus với kiến trúc hùng vĩ, ân tượng được tạo nên từ sự kết hợp nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Châu Phi, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư và thậm chí cả Châu Âu. Vài trò của pháo đài cũng như của thành phố Mombasa đặc biệt quan trọng khi nơi đây có sự đa dạng văn hóa cũng như là nơi đặc biết phát triển kinh tế, thương mại.
Tiêu chí (iv): Pháo đài Jesus là minh chứng cho sự tiến bộ trong cách thức xây dựng hệ thống phòng vệ và phục vụ quốc phòng vào thế kỷ 15, 16. Bên cạnh đó, pháo đài Jesus tại thành phố Mombasa còn là một công trình kiến trúc tiêu biểu được người Bồ Đào Nha xây dựng theo phong cách kiến trúc Phục Hưng nhưng lại có sự kết hợp nguyên liệu địa phương. Ngoài ra Pháo đài Jesus còn là minh chứng cho sự đa dạng văn hóa tại đất nước Kenya.
Được xây dựng trên một phần của đảo đá san hô, Pháo đài Jesus ngoài kiến trúc đẹp và ấn tượng còn có hệ thống phòng thủ vô cùng vững chắc.