Hơn 50.000 nhà nghiên cứu hy vọng tìm được lời giải cho viễn cảnh một cực Bắc không có băng, bằng cách lặn xuống rất sâu và thăm dò bề mặt hai cực hành tinh của chúng ta.
Chương trình này là chương trình lớn nhất trong 50 năm qua, quy tụ các nhà nghiên cứu từ 63 nước trong 228 cuộc nghiên cứu để theo dõi tình hình của các vùng cực bằng cách dùng những tàu phá băng, vệ tinh và tàu ngầm.
Phát biểu tại lễ phát động ở Paris, David Carlson, Giám đốc chương trình "Năm địa cực quốc tế" cho biết: "Chúng ta phải huy động nguồn lực của nhiều quốc gia để nghiên cứu hai vùng cực của địa cầu để hiểu được một hệ thống đang thay đổi".
Viễn cảnh một Bắc cực không có băng đá được ưu tiên nghiên cứu.
Một số nhà khoa học nhấn mạnh hậu quả của sự thay đổi này đối với 4 triệu người đang sống ở vùng cực.
Được trang bị công nghệ tốt hơn, nhất là các vệ tinh nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu tất cả sự biến đổi, từ tác động của bức xạ Mặt Trời trong khí quyển địa cực đối với những sinh vật sống dưới biển bên dưới lớp băng đá Bắc cực.
"Năm địa cực quốc tế" được tài trợ bởi Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hiệp quốc và Hội đồng Khoa học quốc tế.
CTNN