Khi vừa định nghỉ ngơi sau một ngày làm việc giữa hoang mạc nóng bức, các nhà khảo cổ Ả Rập Saudi bỗng thấy một báu vật đang nằm trên bề mặt cồn cát, có thể là di vật của một loài người khác.
Đó là một chiếc rìu đá có niên đại lên tới 200.000 năm và vẻ ngoài độc nhất vô nhị, một báu vật khảo cổ vô song, hứa hẹn tiết lộ về những công nghệ sơ khai, đột phá đã đưa con người trở thành một loài siêu việt, tách biệt trong thế giới động vật.
Theo Live Science, chiếc rìu làm bằng đá bazan, được tìm thấy ở khu vực Đồng bằng Qurh, phía Nam AlUla, một khu vực ở phía Tây Bắc Ả Rập Saudi.
"Báu vật của người khổng lồ" được các nhà khoa học xem xét tại phòng thí nghiệm - (Ảnh: ỦY BAN HOÀNG GIA VỀ ALULA (RCU)).
Điều gây ngạc nhiên là kích thước bất thường của chiếc rìu: Dài tới 51,3 cm, bề ngang 9,5 cm, là chiếc rìu đá lớn nhất thế giới được khai quật.
Cả hai mặt rìu đều được mài sắc, cho thấy rằng nó có thể được sử dụng để cắt hoặc chặt.
Mặc dù trông như công cụ của người khổng lồ nhưng nhờ được chế tác cẩn thận và loại đá được lựa chọn, chiếc rìu này vẫn có thể được sử dụng dễ dàng bằng hai tay.
Theo nhà khảo cổ học Ömer Can Aksoy, giám đốc dự án khai quật, chiếc rìu chưa thực sự được định tuổi chính xác nhưng dựa vào niên đại của các hiện vật khác trong cùng địa điểm, nó ước tính khoảng 200.000 năm tuổi.
Nhóm khảo cổ của ông Aksoy đã "bắt được vàng" trong 15 phút cuối cùng của ngày làm việc. Khi họ đang chuẩn bị kết thúc công việc, hai thành viên của nhóm bất ngờ thấy chiếc rìu khổng lồ trên bề mặt một cồn cát.
Đó còn là một "báu vật chỉ điểm", bởi sau khi thu thập nó, các nhà khảo cổ đã quyết định tiếp tục đào và tìm thấy 13 chiếc rìu đá kích cỡ nhỏ hơn một chút ngay bên dưới.
Từng thành viên trong nhóm phải cởi áo khoác vàng để đánh dấu các hiện vật, bởi không hề có sự chuẩn bị trước cho việc tìm thấy quá nhiều "báu vật" trong cùng một thời điểm như thế.
Tuy nhỏ hơn chiếc rìu vĩ đại một chút nhưng những hiện vật còn lại cũng không khác vật dụng của người khổng lồ.
Một điều thú vị tiếp theo: Ai đã tạo nên chúng? Khu vực này có thể là nơi sinh sống chồng lấn của nhiều loài người khác nhau vào thời điểm 200.000 năm trước, bao gồm tổ tiên loài Homo sapiens chúng ta.
Tuy nhiên, một cái tên khác được đưa vào vòng nghi ngờ: Homo erectus, một loài khác cùng thuộc chi Homo (chi Người), ra đời trước loài chúng ta khoảng 1,7 triệu năm, đã tuyệt chủng.
Họ được gọi là "Người đứng thẳng" vì là loài đầu tiên của nhân loại có dáng đứng, dáng đi như chúng ta ngày nay, và được cho là loài đầu tiên tạo nên đột phá công nghệ quan trọng nhất: Biết chế tạo công cụ.
Các nhà khảo cổ dự định sẽ tìm các câu trả lời trong các phân tích tại phòng thí nghiệm, cũng như trong một cuộc khai quật khác tại cùng địa điểm, sẽ bắt đầu vào đầu năm 2024.