Sở VH-TT&DL Thái Nguyên cho biết, tỉnh này vừa tìm thấy một tấm bia đá niên đại năm Thành Thái thứ 3 Tân Mão. Đây là tấm bia văn chỉ đầu tiên được phát hiện tại Thái Nguyên, cho thấy cách đây ít nhất 120 năm, tỉnh này đã có trường học.
Từ tấm văn bia này, có cơ sở để khẳng định rằng Thái Nguyên đã có trường học từ cách đây ít nhất 120 năm, như thông tin lưu trong cuốn “Đồng Khánh dư địa chí” (1888).
Tấm bia văn chỉ trên được ông Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ văn phòng của trường THCS Nam Tiến (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) phát hiện trong quá trình đào móng xây dựng thư viện trường.
Tấm bia văn chỉ với những dòng chữ Hán được khắc trên một phiến đá nguyên khối màu đen, hiện đã được ngành văn hóa tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận lưu giữ và bảo quản.
Tấm bia đá có kích thước 60x37cm. Theo quan sát bằng mắt thường, trên đỉnh tấm bia có khắc hình mặt trời, hai bên có biểu tưởng 2 con rồng, dưới có 3 chữ Hán, tạm dịch là “phối hưởng bi”. 2 bên diềm bia trang trí dây leo điểm xuyết hoa cúc.
Ở giữa lòng bia có 9 dòng chữ Hán, dòng nhiều nhất có 21 chữ, ít nhất có 5 chữ, tổng cộng có gần 200 chữ Hán. Nét khắc chữ trên văn bia sâu, thể hiện sự tinh xảo, khoảng cách chữ rõ ràng, bút pháp khoáng đạt.
Dưới chân văn bia ghi niên đại: dựng bia vào ngày 29 tháng 11 năm Thành Thái thứ 3 Tân Mão (1891). Nội dung tấm bia được dịch ra là: ghi công đức của tập thể môn sinh đã góp công vào xây dựng nhà trường, thờ phụng các thầy giáo là Tiên sinh ở địa phương.
Việc lần đầu tiên phát hiện bia nói về văn chỉ ở tỉnh Thái Nguyên cho thấy: ít nhất cách đây 120 năm, ở xã Hoàng Đàm, nay là xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên đã có cơ sở trường học. Điều này trùng khớp với sách “Đồng Khánh dư địa chí” (1888) chép trong mục huyện Phổ Yên thời phong kiến là: “Tổng Hoàng Đàm ở hạ du là có học hành đỗ đạt”.