Song, ngạc nhiên hơn là khi bó cơ đỏ này được kiểm tra trong điều kiện phòng thí nghiệm, nó không hoạt động ở nhiệt độ thấp. Điều đó có nghĩa là cá mập salmon phải duy trì một mức nhiệt độ cao ở trung tâm cơ thể suốt thời gian, cho phép nó bơi được ở tốc độ bất kỳ.
"Chúng tôi không hề trông đợi điều này", nhà nghiên cứu về trao đổi chất của cá mập Robert Shadwick từ Đại học British Columbia ở Vancouver (Canada) cho biết.
Hầu hết các loài cá, trong đó có cá mập, chỉ có những "bó cơ trắng" hoạt động ở nhiệt độ bằng với nhiệt độ nước xung quanh. Lợi ích khả dĩ nhất (song đến nay vẫn chưa chứng minh được) của việc duy trì các bó cơ ấm là giúp cho những kẻ đi săn có được tốc độ và sự nhanh nhẹn lớn hơn, cộng với việc tự do bơi trong nước lạnh hơn so với con mồi máu lạnh của chúng, Robert Shadwick phân tích.
Cá mập salmon có thể nặng tới 160 kg. Là một kẻ ăn thịt nhanh nhẹn, chúng đã tiến hóa hình dáng cơ thể và thậm chí cả một cái vây có hình rất giống với cá ngừ vây xanh - một loài ăn thịt lớn sống trong nước lạnh, hung hăng và màu nóng. Thực tế, chính sự tương đồng về lối sống và đặc điểm thể chất của hai loài này đã dẫn Shadwick và cộng sự tới việc tìm hiểu rằng liệu cá mập salmon có cơ chế "hâm nóng" cơ thể ở bên trong giống cá ngừ hay không. Và họ tìm thấy điều đó.
Sự khác biệt lớn giữa hai loài này là bó cơ đỏ của cá ngừ có thể hoạt động ngay ở nhiệt độ thấp, trong khi bó cơ đỏ trong cùng của cá mập salmon (được bao bọc bởi các bó cơ trắng) cần đến nhiệt để hoạt động.
Và điều đó khiến cho cơ của cá mập giống với các loài thú một cách đáng ngạc nhiên. Cơ và đa số nội tạng ở hầu hết các loài thú đều tiến hóa để hoạt động chỉ trong một phạm vi hẹp nhiệt độ cao.
"Khả năng nâng cao thân nhiệt ở cá mập là rất dị thường", Kathy Dickson, nhà nghiên cứu sự trao đổi chất của cá mập ở Đại học Fullerton, bang California, nhận định.
T. An (theo Discovery)