Ngoài đặc tính chống tiểu đường, béo phì, hợp chất Momilactone A và B, tricin trong gạo trắng, gạo lứt, có thể tăng độ đàn hồi, giảm quá trình lão hóa da.
Nhóm nghiên cứu người Việt do PGS Trần Đăng Xuân đang công tác tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) đứng đầu, cùng tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên, PGS Trần Hoàng Dũng, PGS Trần Đăng Khánh tại Việt Nam đã phát hiện hoạt tính chống lão hóa da của hai hợp chất quý Momillactone A (MA) và Momilactone B (MB), cùng với tricin trong gạo trắng và gạo lứt. Nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Foods của MDPI hôm 21/11. Foods là tạp chí khoa học danh tiếng được xếp hạng danh mục Q1 với điểm ảnh hưởng (Impact factor) là 3.011.
Trong gạo lứt và gạo trắng đều có chất MB, MB và tricin giúp giảm quá trình lão hóa da.
Bằng phương pháp sắc ký cột, nhóm nghiên cứu tìm ra cơ chế hoạt động sinh học của hợp chất thông qua các thí nghiệm "in vitro" trên enzyme elastase tuyến tụy và tyrosinase. Đây là hai loại enzyme làm giảm độ đàn hồi của da, thúc đẩy quá trình sản sinh hắc tố melatin, hình thành tàn nhang trên da.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, hợp chất MA và MB có khả năng ức chế mạnh mẽ enzyme elastase tuyến tụy và tyrosinase, từ đó giảm nếp nhăn và tàn nhang, tăng độ đàn hồi cho da. Cả hai hợp chất đều có hoạt tính chống lão hóa da vượt trội hơn so với hoạt tính của tricin trong gạo và vanilin được sử dụng trong điều trị lão hóa da hiện nay. Trong đó, hoạt tính của MA là vượt trội, sau đó đến MB và tricin.
Đây là nghiên cứu đầu tiên về đặc tính chống oxy hóa và chống lão hóa da của hợp chất MA và MB. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết quá trình và tốc độ hấp thụ hợp chất MA, MB của hệ tiêu hóa cần được đánh giá và kiểm tra kỹ lưỡng hơn nữa trong phòng thí nghiệm.
Các nghiên cứu viên làm việc tại Phòng thí nghiệm Đại học Hiroshima (Nhật Bản). (Ảnh: Trần Ngọc Quý).
Nghiên cứu của nhóm cho thấy việc ăn một lượng cơm nhất định hàng ngày có tác dụng ngăn ngừa lão hóa và một số vấn đề bệnh tiểu đường, béo phì. Vì vậy, việc phát triển dược phẩm ngũ cốc là một hướng đi mới trong nghiên cứu cải tiến các loại thuốc và chế độ ăn dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên.
PGS Trần Đăng Xuân cho biết nhóm đã biết có khoảng 4-10 gene trong cây lúa liên quan đến tổng hợp MA và MB, vì vậy sử dụng công nghệ gene có thể lai tạo ra các giống lúa dược phẩm giàu MA và MB, cũng như tricin để sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm với giá rẻ nhưng hiệu quả.
Trước đó, hợp chất MA và MB được nhóm nghiên cứu PGS Trần Đăng Xuân phát hiện trong vỏ trấu có tác dụng chống bệnh tiểu đường, béo phì và ức chế tế bào ung thư. Việc phát hiện đặc tính mới của hợp chất này sẽ là tiềm năng để điều chế thực phẩm chức năng làm đẹp da và mỹ phẩm hỗ trợ điều trị lão hóa da.
Ông cùng cộng sự tại phòng thí nghiệm Sinh lý Thực vật và Sinh hóa của Đại học Hiroshima cũng tách chiết thành công hai hợp chất quý MA và MB từ vỏ trấu. Theo đó từ 20 kg vỏ trấu, sau gần 3 tháng, khoảng 300 mg MA và 200 mg MB (chiếm khoảng 1/100 -150 nghìn trọng lượng vỏ trấu) được tách chiết.