Một nhóm các nhà khoa học Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vừa công bố phát hiện loài côn trùng sống sâu nhất trong lòng đất, khoảng 1.980m tại hang động sâu nhất thế giới Krubera-Voronja (2.191m) thuộc phía đông của biển Đen.
Theo tạp chí khoa học Anh New Scientist, đó là loài bọ nhảy Plutomurus ortobalaganensis thuộc gia đình động vật chân đốt (arthropod), tồn tại được tại độ sâu như trên là nhờ ăn nấm và các vật liệu hữu cơ mục nát đọng dưới hang.
Bọ nhảy Plutomurus ortobalaganensis - (Ảnh: New Scientist)
Ba loài côn trùng khác cũng được tìm thấy dưới hang Krubera-Voronja là Anurida stereoodorata, Deuteraphorura kruberaensis và Schaefferia profundissima. Tất cả 3 loài đều là loài bọ nhảy - một loại côn trùng nhỏ không cánh nguyên thủy - sống hoàn toàn trong bóng tối và không có mắt.
Các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Tây ban Nha phối hợp ĐH Aveiro, Bồ Đào Nha đã thám hiểm hang động trên vào năm 2010 và phát hiện các loài động vật trên.
Trước khám phá này, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy một số loài bọ nhảy khác sống ở độ sâu khoảng 500m. Cụ thể, loài Ongulonychiurus colpus tại độ sâu khoảng 550m ở các hang động thuộc Tây Ban Nha hay Tritomurus veles tại độ sâu khoảng 430m ở các hang động Croatia.
Phát hiện cho thấy sự tồn tại phi thường của các loài bọ nhảy trong môi trường sống bóng tối vô cùng khắc nghiệt của hang động.