Các nhà nghiên cứu thực vật Singapore, Việt Nam vừa phát hiện và công bố hai loài Nghệ mới cho khoa học ở Ninh Thuận và Quảng Ngãi, thuộc duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, trên tập chí chuyên ngành Phytotaxa, tập 192, số 3, trang 181 – 189, năm 2015.
>> Phát hiện loài thực vật mới ở Khánh Hòa
1. Nghệ khô hạn - Curcuma arida Škorničk. & N.S.Lý
Tên của loài Nghệ khô hạn Curcuma arida Škorničk. & N.S.Lý xuất phát từ nghĩa của từ latin “aridum”, có nghĩa là khô hạn để chỉ loài chỉ mới ghi nhận phân bố tại Vườn Quốc Gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, một trong những nơi khô hạn nhất Việt Nam.
Nghệ khô hạn là loài thân cỏ nhỏ, cao khoảng 0,5 m. Cây trưởng thành có khoảng 3 – 4 lá, phiến lá hình trứng đến hình elip, cỡ 35 × 13 cm, mũi lá có lông măng; cuống lá dài 1 - 9 cm. Cụm hoa mọc giữa bẹ lá, cỡ 10 - 20 cm × 4 - 6 cm, mang 15 - 35 lá bắc, không có lá bắc bất thụ; cuống cụm hoa cỡ 20 × 7 mm. Lá bắc hình trứng rộng hay hẹp đến hình mác, hơi trắng đến xanh sáng ở nữa dưới gốc, chuyển sang màu hơi tía và xòe ra ở phần mũi. Lá bắc con màu trắng, hơi hồng tía ở mũi, đôi khi không có lá bắc con. Các cánh tràng (các thùy bên) hình trứng hẹp, lõm, trắng hay hơi tía ở mũi. Cánh môi hình trứng ngược, màu kem ở gốc, vàng sáng ở mũi. Bao phấn có cựa dài 0,5 mm, dạng sợi, hình móc câu; trung đới 1 - 1,5 mm, màu vàng; mào bao phấn dài 5 mm. 2 vòi nhụy lép dài 3 mm. Quả nang, màu trắng.
Nghệ khô hạn mọc ở các khe đá của các trảng trống hay bên dưới thảm thực vật cây bụi của rừng bán khô hạn Núi Chúa, ở cao độ khoảng từ 35 đến 120 m so với mực nước biển nơi có nhiều loài cây bụi, cây gai mọc chung. Mùa ra hoa từ tháng 9 đến tháng 11, mùa quả từ tháng 10 đến tháng 12.
Nghệ khô hạn - Curcuma arida – (Ảnh: Lý Ngọc Sâm)
2. Nghệ sa huỳnh Curcuma sahuynhensis Škorničk. & N.S.Lý
Nghệ sa huỳnh để chỉ địa danh Sa Huỳnh nơi đầu tiên loài này được tìm thấy. Sa huỳnh cũng là tên được đặc cho nền “văn hóa Sa Huỳnh” nơi lần đâu tiên “kho mộ chum Sa Huỳnh - Dépot à Jarres Sa Huynh” được phát hiện bởi nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet cách đây trên một thế kỷ (1909).
Nghệ sa huỳnh là loài thân cỏ nhỏ, cao khoảng 0,8 m. Cây trưởng thành có đến 10 lá, 1 - 2 lá khi cây ra hoa, phiến lá hình trứng đến hình elip, cỡ 20 - 38 × 9 - 16 cm; cuống lá dài cỡ 2 - 20 cm. Cụm hoa mọc ở bên, cạnh bên thân, cỡ 6 - 15 × 5 - 9 cm; mang 10 - 23 lá bắc, không có lá bắc bất thụ; cuống cụm hoa cỡ 6 - 16 × 8 mm. Lá bắc hình trứng rộng hay hẹp đến hình thoi, trắng đến hơi xanh ở nữa dưới gốc, biến đổi từ hơi đỏ đến đỏ san hô ở phần mũi, mũi lá bắc nhọn và xòe ra. Lá bắc con màu trắng mờ, đôi khi không có lá bắc con. Các cánh tràng hình trứng đến tam giác, lõm, trắng hay hơi vàng biến đổi hơi đỏ hay hồng, có lông hay không. Cánh môi hình trứng ngược, trắng kem ở gốc, vàng đậm ở mũi, với dãy màu vàng cam dọc ở giữa. Bao phấn hình chữ L, vàng đến vàng cam, có lông tuyến dày, cựa bao phấn to và kéo dài 3,5 - 5,5 mm; mào bao phấn dài 6 - 7 mm. 2 vòi nhụy lép dài 4 - 6 mm. Quả nang hình cầu.
Nghệ sa huynh mọc ở các kiểu rừng trên đất thấp ven biển thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nhất là các xã Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh. Loài Nghệ mới này mọc trên đất xỏi đá nghèo dinh dưỡng của các trảng trống, rừng cây bụi thấp và rừng trồng Keo/Bạch đàn ở cao độ khoảng từ 95 đến 183 m so với mực nước biển. Mùa ra hoa từ tháng 8 đến tháng 10, mùa quả từ tháng 9 đến tháng 11. Lá non và cụm hoa non của loài này được người dân địa phương sử làm thực phẩm ăn như rau.
Nghệ sa huỳnh Curcuma sahuynhensis – (Ảnh: Lý Ngọc Sâm)
Với 2 loài Nghệ mới vừa công bố nâng tổng số loài Nghệ ở tìm thấy ở Việt Nam lên đến khoảng 27 loài, và cho thấy tính đa dạng cao về thành phần loài Nghệ ở nước ta.