Phát hiện hàng loạt động táng ở Thanh Hóa

Pha Ké (tiếng Thái nghĩa là núi) nằm đối diện với thị trấn Quan Hóa, ở phía bên kia sông Mã thuộc địa phận xã Hồi Xuân. Núi đá sát bờ sông Mã có sườn dốc đứng. Chính ở lưng chừng vách đá này có một loạt các hốc đá nhỏ chứa các quan tài cổ.

Ở 5 hốc đá người dân đã phát hiện ra hàng chục quan tài cổ. Tại một hốc đá cao khoảng 100 m so với mặt nước sông, người dân địa phương đã phát hiện 1 cỗ quan tài lớn. Trước khi cỗ quan tài này bị đập phá vẫn còn hộp sọ trong đó gối lên một thanh kiếm. Hiện giờ thanh kiếm đã bị lấy mất, còn hộp sọ cũng đã bị vứt xuống sông.

Tại hốc đá thứ 2 (cách hốc đá thứ nhất khoảng 100 m), cao so với mặt nước sông khoảng 60 m, người dân địa phương cũng phát hiện ra 2 bộ quan tài được đặt dưới nền đá. Có cái dài tới 2,68 m, đường kính gần nửa mét, bên trong được đẽo khoét hình lòng thuyền. Những chiếc quan tài cũng đã bị đập phá chỉ còn lại một số mảnh xương và mảnh đồ gốm thời tiền sử.

Ở hốc đá thứ 3, người dân địa phương phát hiện 2 bộ quan tài nhưng lại được đặt trên một giá gỗ. Tuy nhiên chúng cũng đã bị phá hỏng, còn sót lại một mảnh lưỡi cưa làm bằng đá sa thạch và một số mảnh sành sứ. 2 hốc đá còn lại mỗi hốc có 2 bộ quan tài. Gỗ dùng làm những chiếc quan tài đã mục hỏng và không còn di vật nào.

Xa hơn, cách thị trấn Quan Hóa khoảng 4 km, bên bờ sông Luồng (thuộc xã Hồi Xuân) người dân địa phương cũng phát hiện ra 2 hang động khác chứa đựng hàng chục quan tài cổ. Hai chiếc hang này đều nằm trên vách núi đá dựng đứng, cao khoảng 150 m so mặt nước sông và rất khó leo lên. Tuy nhiên, tất cả các quan tài cổ ở 2 chiếc hang này cũng đều đã bị phá hỏng, những đồ tùy táng theo cũng biến mất.

Như vậy, chỉ ở khu vực thị trấn Quan Hóa đã có đến gần 10 hang động lớn nhỏ chứa đựng hàng trăm quan tài cổ. Điều này cho thấy vùng đất Quan Hóa đang lưu giữ trong mình một nền văn hóa cổ xưa còn im ngủ...

Có mối liên hệ gì với những động táng của Trung Quốc?

Quan Hóa có vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở vùng đất chuyển tiếp từ thượng lưu xuống trung lưu sông Mã, là nơi hội tụ của nhiều sông suối. Ngoài sông Luồng, sông Lò còn có các suối lớn nhập lại. Chính vì nằm trên một địa bàn có nhiều sông suối như vậy nên có thể coi Quan Hóa như một điểm nút giao thông đường thủy, một vị trí quan trọng hội tụ giao tiếp giữa Tây Bắc, Trung Lào và Thanh Hóa. Điều này cũng có thể lý giải phần nào sự hấp dẫn của một vùng đất tập trung cư dân cổ sống ở đây và tồn tại nhiều nền văn hóa ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, trong đó có tập tục tùy táng trong hang đá trên vách núi cao.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Viện khảo cổ học cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ được biết đến kiểu mai táng trong hốc, hang đá cheo leo trên vách núi cao với mức độ tập trung cao như ở vùng Quan Hóa. Liên hệ ở khu vực Đông Nam Á, hình thức động táng này chỉ được tìm thấy ở Thái Lan và Philippines. Còn ở Trung Quốc hình thức này lại được tìm thấy nhiều, nhất là ở phía nam.

Tại Trung Quốc, mỗi vùng có tên gọi khác nhau cho hình thức động táng, nhưng phổ biến nhất gọi là huyền quan táng (táng treo), hoặc nhai động táng (táng trong hang đá cheo leo), hoặc nhai táng chế (chế độ mai táng trên vách đá). Ở Trung Quốc cũng gồm các hình thức đặt quan tài trực tiếp dưới nền đá và gác các quan tài trên giá gỗ. Nhưng đặt trên giá gỗ mới đích thực là huyền quan táng.

Về niên đại, những quan tài cổ ở Trung Quốc cũng tồn tại ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, kéo dài từ thời Chiến Quốc đến thời Minh - Thanh. Về mặt tộc thuộc, nó thuộc chủ nhân Bách Việt cư trú ở vùng đông nam phía nam sông Dương Tử. Từ đó truyền bá dần đến vùng tây nam địa vực cư trú của người Bách Bộc.

Tuy nhiên, do loại hình táng tục này lần đầu tiên được phát hiện ở nước ta với mức độ tập trung cao, cho nên vấn đề niên đại và tộc thuộc các nhà khoa học chưa có tiền lệ để so sánh. Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối và các cộng sự đưa ra giả thuyết là: các di tích này có lớp mộ sớm thuộc vài thế kỷ sau Công nguyên, trước lớp mộ từ thế kỷ 8-9 với đại diện chắc chắn là tiền đồng và gốm sứ.

Dù là cư dân nào chăng nữa, thì phong cách văn hóa vẫn biểu hiện qua đồ tùy táng. Những di vật phát hiện được trong các động táng ở Quan Hóa rất gần gũi với văn hóa Đông Sơn và văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ sau này. Rõ ràng vùng đất Quan Hóa đang sở hữu những di tích độc đáo, thuộc loại quý hiếm của Việt Nam.

Theo Công an nhân dân, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video