Các nhà khoa học ngày 9-5 cho biết họ vừa phát hiện một hành tinh bên ngoài Hệ mặt trời có kích thước tương đương sao Thổ có nhiệt độ lên đến hơn 2.000 độ C, là hành tinh nóng nhất từ trước tới nay.
Phát hiện này dựa trên các hình ảnh và dữ liệu do kính viễn vọng Spitzer của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cung cấp. Theo đó, nhiệt độ của hành tinh này - được đặt tên HD 149026b - là 2.040 độ C, tương đương nhiệt độ trên bề mặt các ngôi sao đỏ khổng lồ và bằng gần ½ nhiệt độ bề mặt mặt trời.
“Nhiệt độ trên hành tinh này cao hơn hẳn nhiệt độ những hành tinh mà chúng ta từng biết”, Drake Deming, thuộc Trung tâm chuyến bay Goddard của NASA ở Greenbelt, đồng tác giả công bố phát hiện trên cho biết.
Theo các nhà khoa học, HD 149026b là một hành tinh tối, có nghĩa là nó hấp thu hầu hết ánh sáng từ những ngôi sao tiến đến gần nó.
HD 149026b quay theo quỹ đạo một ngôi sao nằm trong chòm sao Hercules, cách Trái đất 279 năm ánh sáng. Các nhà khoa học cho rằng việc phát hiện những đặc điểm khác biệt của các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời sẽ giúp nâng cao hiểu biết về các hành tinh.
(Ảnh: NASA)
TƯỜNG VY